Trong hoạt động xuất bản thì cảnh cáo, xử phạt... là việc của cơ quan chức năng, đơn vị quản lý. Nhưng khi mà nguồn gốc của hiện tượng vẫn tồn tại thì cảnh cáo, xử phạt chỉ là giải quyết việc đã rồi, và chưa giải quyết được tận gốc, chưa lường hết các nguy cơ từ một hoạt động xã hội mà ở đó, các nhà xuất bản như chỉ đóng vai trò thứ yếu.
Với doanh thu gần năm tỷ đồng cho 177 nghìn bản sách được bán ra, Hội sách Hà Nội 2014 diễn ra vào dịp chào mừng 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô khiến nhiều người phấn chấn. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi đây là hội sách có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, mang lại doanh thu lớn nhất và sự tham gia nhiều nhất của các đơn vị làm sách (112 gian hàng của 45 nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách). Thế nhưng, sau nhiều cái "nhất", người đến dự Hội sách không khỏi ngạc nhiên vì sự vắng mặt của khá nhiều nhà xuất bản, và một số nhà xuất bản tham gia thì gian hàng cũng khá "khiêm tốn" so với các công ty sách tư nhân. Đây là điều bất bình thường, bởi lẽ ra Hội sách phải là ngày hội thật sự của giới xuất bản, là dịp quý giá để các nhà xuất bản quảng bá, giao lưu, kết nối với công chúng và tác giả. Theo đánh giá của nhiều người, thì sự thờ ơ của một số nhà xuất bản có tiếng là điều rất đáng tiếc, vì đây là cơ hội quý giá để gây dựng thương hiệu. Thế nhưng, với giới làm sách, và người am hiểu lĩnh vực xuất bản, thì sự vắng bóng của một số nhà xuất bản tại Hội sách cũng không có gì khó hiểu. Vì có một thực tế là: Nếu một số nhà xuất bản có tham gia thì lấy đâu ra sách để trưng bày. Lâu nay, hoạt động của các đơn vị này chủ yếu là bán giấy phép, và nếu có làm sách thì cũng là sách theo đặt hàng Nhà nước (Nhà nước cấp kinh phí để in ấn và phát hành), hoặc sách liên kết (tư nhân bỏ tiền ra thuê nhà xuất bản cấp giấy phép và in ấn...).
Hằng năm, theo báo cáo thì số lượng sách in và phát hành của các nhà xuất bản này khá lớn, nhưng đó chỉ là làm thuê theo vụ việc, bán giấy phép xong là xong, nhà xuất bản không trực tiếp tham gia thị trường sách. Nên việc phải tìm bản thảo hay để xuất bản, và quảng bá sách, sách có bán được hay không, nắm bắt thị hiếu độc giả như thế nào,... không nằm trong sự quan tâm của họ nữa. Hẳn vì thế, ngày 24-4-2012, khi trả lời phỏng vấn của Vietnamnet, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty sách Thái Hà đã thẳng thắn nói: "Một công ty nếu năng lực cạnh tranh kém, có thể bị đào thải rất nhanh trên thị trường. Nhưng những nhà xuất bản đó dù không làm tốt công việc của mình cũng không thể bị đào thải, bởi việc liên kết xuất bản và mua bán giấy phép vẫn đang là "bầu sữa mẹ" nuôi sống họ"!
Hằng năm, theo báo cáo thì số lượng sách in và phát hành của các nhà xuất bản này khá lớn, nhưng đó chỉ là làm thuê theo vụ việc, bán giấy phép xong là xong, nhà xuất bản không trực tiếp tham gia thị trường sách. Nên việc phải tìm bản thảo hay để xuất bản, và quảng bá sách, sách có bán được hay không, nắm bắt thị hiếu độc giả như thế nào,... không nằm trong sự quan tâm của họ nữa. Hẳn vì thế, ngày 24-4-2012, khi trả lời phỏng vấn của Vietnamnet, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty sách Thái Hà đã thẳng thắn nói: "Một công ty nếu năng lực cạnh tranh kém, có thể bị đào thải rất nhanh trên thị trường. Nhưng những nhà xuất bản đó dù không làm tốt công việc của mình cũng không thể bị đào thải, bởi việc liên kết xuất bản và mua bán giấy phép vẫn đang là "bầu sữa mẹ" nuôi sống họ"!
Theo báo cáo công tác in và phát hành của Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông): Năm 2013 chỉ có bốn nhà xuất bản làm ăn có lãi và thực hiện nghĩa vụ thuế, một số ít nhà xuất bản tự "ổn định", còn phần lớn số còn lại sống lay lắt hoặc đứng trước nguy cơ "phá sản". Dư luận vẫn chưa quên sự kiện cuối năm 2013, bảy nhà xuất bản đã cùng ký vào đơn kêu cứu về nguy cơ phá sản gửi Cục Xuất bản, in và phát hành. Vấn đề các nhà xuất bản này gặp phải là do tiền thuê nhà, đất quá cao trong khi doanh thu lại không đủ sức chi trả. Có nhà xuất bản đang phải "sở hữu" số nợ đến 7,5 tỷ đồng và không có khả năng thanh toán. Tiếp tục tình trạng này, nếu không có "cứu trợ" thì nguy cơ phá sản chỉ còn là câu chuyện ngày một ngày hai! Năm 2014, hoạt động xuất bản vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc và thay vào đó, không khí ảm đạm vẫn bao trùm. Tại Hội nghị giao ban toàn quốc công tác xuất bản sáu tháng đầu năm 2014, Cục Xuất bản, in và phát hành công bố: số sách nộp lưu chiểu giảm 12%; số lượng đầu sách đăng ký xuất bản giảm 44% so với cùng kỳ năm 2013. Khó khăn của các nhà xuất bản dường như đã trở thành một câu chuyện chung để họ cùng chia sẻ, và dễ tìm được sự cảm thông của nhau. Nhưng nếu xuất bản khó khăn như thế, thì sao vẫn có rất nhiều đơn vị tư nhân tiếp tục lấn vào thị trường sách, và từng bước khẳng định thương hiệu của mình? Số lượng sách của họ bán ra tại Hội sách nói riêng và thị trường sách nói chung đều rất khả quan. Tất nhiên, một số nhà xuất bản có tính đặc thù như nhà xuất bản Ấm nhạc, Thế giới, Văn hóa Dân tộc..., việc để tồn tại trong cơ chế thị trường là bài toán khó khi mà lĩnh vực xuất bản của những đơn vị này khá hẹp. Tuy nhiên, còn nhiều nhà xuất bản khác mà cơ hội, ưu thế của họ nếu so với các đơn vị làm sách tư nhân là vượt trội, vậy tại sao lại xảy ra nghịch cảnh: Nhà xuất bản thì lao đao và các đơn vị làm sách tư nhân thì "sống khỏe"? Một trong những đơn vị làm sách tư nhân ăn nên làm ra nhất trên thị trường hiện nay có thể kể đến là Nhã Nam. Tại Hội sách 2014, Nhã Nam sở hữu hai gian hàng lớn nhất, bắt mắt nhất. Doanh thu của Nhã Nam tại Hội sách cũng tốt nhất. Và có điều trớ trêu là sách của Nhã Nam làm (tổ chức bản thảo, in ấn, phát hành) lại được cấp phép bởi chính một số nhà xuất bản đang kêu than trước nguy cơ phá sản!
Câu hỏi đặt ra là, tại sao những đầu sách chiếm lĩnh thị trường hiện nay hầu hết đều là sản phẩm liên kết giữa các nhà xuất bản và các đơn vị làm sách tư nhân, trong đó vai trò của nhà xuất bản chỉ là thứ yếu? Tại sao các nhà xuất bản không chủ động khai thác thị trường thay cho việc chỉ đóng "vai phụ" trong lĩnh vực xuất bản? Họ đang làm mất cơ hội của mình. Cơ hội đã tuột mất thì rất khó có thể lấy lại được. Bức tranh ảm đạm về hoạt động của nhiều nhà xuất bản hiện nay có thể cho thấy cơ chế vận hành, cách làm việc kém hiệu quả của họ là nguyên nhân chính dẫn tới chỗ gặp những khó khăn khó có thể giải quyết, cho nên cơ thể đã "ốm yếu" thì ngày càng "ốm yếu" hơn. Điều nguy hiểm là sự ốm yếu của nhiều nhà xuất bản không chỉ ảnh hưởng đến sự tồn tại của họ, mà đã và đang tác động đến thị trường xuất bản nói chung. Lẽ ra các nhà xuất bản phải là đơn vị "cầm trịch" về chất lượng ấn phẩm, điều chỉnh thị trường xuất bản khỏi sự lệch lạc (như chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng chẳng hạn,...) thì do sự xuống dốc, yếm thế mà họ khiến cho thị trường xuất bản có lúc trở nên hỗn loạn, nảy sinh hoặc phải gánh chịu tai tiếng. Hệ lụy ở mức độ nhỏ thì là việc vô số tập thơ kém chất lượng được nhà xuất bản đóng dấu "xuất xưởng". Một lãnh đạo nhà xuất bản khi được hỏi về tình trạng quá nhiều tập thơ chất lượng rất thấp vẫn được đơn vị này cấp phép đã tuyên bố: Làm thơ là quyền của mọi người, quyền được công bố thơ mình cũng là quyền chính đáng của những người làm thơ, các tập thơ không liên quan đến chính trị, chống lại đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước thì vẫn cấp phép! Bởi vậy mới sinh ra tình trạng biên tập viên chỉ chăm chăm tìm trong tập thơ có phạm lỗi "chủ trương chính sách" hay không, còn chất lượng hay dở như thế nào thì "tùy độc giả cảm nhận". Cho nên loại sản phẩm "siêu đạo thơ" của Vương Chất mới ngang nhiên xuất hiện trên thị trường. Sở dĩ gọi là "siêu đạo thơ" vì tập Nỗi niềm của người này đã phô-tô-cóp-py thơ của các tác giả Hải Từ, Nguyễn Hữu Hà, Nguyễn Thị Mai... nhưng lại được khẳng định chắc nịch rằng: "Tập thơ Nỗi niềm thuộc bản quyền tác giả Vương Chất và gia đình tác giả"! Hệ lụy lớn hơn, kẽ hở trong liên kết giữa nhà xuất bản với đơn vị tư nhân nhanh chóng trở thành món mồi béo bở cho một số kẻ cơ hội. Trường hợp "nhà thơ Đăng Hạ" từng làm nóng diễn đàn báo chí năm 2013 là một thí dụ. Một người không tên tuổi trong giới văn chương đứng ra thành lập cái gọi là "Câu lạc bộ sáng tác văn học nghệ thuật Việt Nam", rồi từ đây chào mời những người yêu thơ nhưng hồn nhiên (thậm chí là háo danh?) ở các địa phương để tổ chức in ấn, xuất bản, phát hành các ấn phẩm thơ trái phép; và nhiều việc làm tùy tiện khác nữa. Mới đây là sự ra đời của cái gọi "Văn phòng sách và tri thức Việt" với tuyên bố: "tiếp tục sẽ làm cầu nối, trợ giúp để các cá nhân, tập thể với nguyện vọng được trình làng đứa con tinh thần đã ấp ủ từ lâu sẽ không phải chờ đợi lâu hơn nữa". Dưới chiêu bài hỗ trợ cá nhân, tập thể in, viết sách, những người am hiểu lĩnh vực xuất bản đều hiểu đây là cách để người ta thu tiền và in sách theo yêu cầu của bất cứ ai, và họ có thể "lấy giấy phép ở đúng nơi tác giả mong muốn"!
Dễ thấy là nếu các nhà xuất bản chặt chẽ trong cấp giấy phép thì làm sao có những tuyên bố hùng hồn kiểu "cần giấy phép nhà nào cũng có", làm sao con buôn núp bóng nhà thơ Ngô Văn Khích - tức "nhà thơ Đăng Hạ" lại có thể ngang nhiên tồn tại! Nguy hiểm hơn nữa, sự mất kiểm soát trong việc bán giấy phép tràn lan của một số nhà xuất bản đã để lọt lưới những tác phẩm độc hại. Năm 2013 được đánh giá là năm kỷ lục của thu hồi, đình bản sách. Nào là sách tham khảo có in cờ nước ngoài, sách đồng dao phản cảm, bài toán rùng rợn chặt ngón tay, các cuốn sách có nội dung khiêu dâm... Việc lọt lưới một cách rất đáng trách, đó cũng là hệ lụy từ tình trạng yếu kém, nếu không nói thiếu trách nhiệm, của hệ thống xuất bản, để tư nhân dần nắm quyền kiểm soát và chi phối thị trường. Một cuốn sách sai phạm bị thu hồi nhưng hậu quả không dừng lại ở đó. Vì liệu bao nhiêu giáo viên căn cứ vào "Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh" của Vũ Chất để giảng dạy cho học trò? Bao nhiêu thanh thiếu niên mới lớn ngốn các cuốn sách sặc mùi khiêu dâm trước khi bị thu hồi?... Ai dám chắc các sản phẩm văn hóa độc hại đó không có tác động đến suy nghĩ của người đã đọc? Làm sao để uốn nắn những đứa trẻ đầy kích động khi vỗ ngực tự xưng là "sát thủ đầu mưng mủ"? Sự độc hại của các ấn phẩm kém chất lượng, thậm chí là lệch lạc, biến thái là hết sức nguy hiểm, vì có tác động vô hình, có thể làm thay đổi tâm tính, nhận thức người đọc, nhất là các độc giả trẻ. Các nhà quản lý không phải không nhìn thấy nguy cơ này. Ông Phạm Quốc Chính, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành trong một bài trả lời phỏng vấn đã chỉ rõ: "Các nhà xuất bản tổ chức bộ máy yếu kém, không coi trọng nâng cao năng lực làm sách mà chỉ tập trung vào việc bán giấy phép. Sắp tới Cục sẽ có cuộc họp kiểm điểm toàn bộ các nhà xuất bản". Hy vọng công việc này sớm được tiến hành, sẽ có hiệu quả cụ thể, thiết thực trong đời sống xã hội.
THÀNH NAM
About Nguyễn Tiến Cường
This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
0 comments:
Post a Comment