Theo kết quả khảo sát của ngành chức năng, hiện ngành gỗ cả nước có khoảng 4.000 DN, trong đó gần 95% là doanh nghiệp tư nhân. Những DN đầu tư khai thác thị trường nội địa đều có quy mô nhỏ và siêu nhỏ hoặc những hộ chế biến cá thể thuộc các làng nghề. Còn những doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư cao, công nghệ hiện đại… chỉ tập trung những đơn hàng xuất khẩu, phục vụ theo yêu cầu của những bạn hàng quốc tế như Hoa Kỳ, Nhật Bản, v.v… Trong khi đó, với hơn 1.000 làng nghề chế biến gỗ trong phạm vi toàn quốc nhưng do thiếu kênh phân phối, sản phẩm của đồ gỗ Việt Nam, nhất là đồ gỗ của các làng nghề vẫn đang khó khăn trên con đường chinh phục người tiêu dùng.
Ông Phan Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương cho biết hiện hơn 80% thị phần đồ gỗ, nội thất trong nước đang thuộc về các công ty đa quốc gia, công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Sức cạnh tranh của đồ gỗ Việt Nam không cao do DN chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, sản xuất với quy mô gia đình, vốn ít nên rất khó thích nghi với sự thay đổi thường xuyên của thị trường; nguyên liệu sản xuất phụ thuộc nhiều nhập khẩu nên giá thành cao; công tác xúc tiến thương mại chưa được quan tâm đúng mức, thiết kế sản phẩm còn nhiều hạn chế, v.v…
Theo các chuyên gia kinh tế, Nhà nước cần nhanh chóng có chính sách cụ thể bao gồm: khuyến khích đầu tư bằng chính sách thuế, có giải pháp giúp DN tiếp cận dễ dàng hơn các nguồn tài chính, tín dụng ưu đãi; hình thành những khu hay cụm công nghiệp chế biến gỗ, v.v… Ngoài ra, cần quan tâm tăng cường kết nối doanh nghiệp nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước để tận dụng, học hỏi kinh nghiệm xây dựng, phát triển thị trường. Các DN phải đa dạng hóa và không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm sao cho phù hợp với thị hiếu khách hàng cũng như đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, triển khai xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm.
Nguồn: báo Tin Tức số 224 ra ngày 19/9
0 comments:
Post a Comment