
Vị lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho biết thêm: Hiện cũng có xu hướng đề nghị áp mức ký quỹ NK phế liệu tùy theo ngành nghề, lĩnh vực. Chẳng hạn trong lĩnh vực sắt, thép có thể là 10% hay 15-20%; giấy là 10% hay 15%...
Ngoài ra, nhiều vấn đề khác cũng đang tiếp tục được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra bàn thảo nghiêm túc như: Tiền ký quỹ được gửi vào ngân hàng thương mại hay Quỹ bảo vệ môi trường; thủ tục rút tiền, sử dụng tiền ký quỹ... "Những điều này đang được chúng tôi thảo luận rất kĩ, có sự tham gia của các DN, hiệp hội. Có thể trong một vài ngày tới, phương án đưa ra sẽ được trình lên Chính phủ. Hiện chúng tôi đang lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội. Dù chưa có sự thống nhất cuối cùng, nhưng quy định này sẽ phải đảm bảo mức ký quỹ là đúng, đủ và không quá sức chịu đựng của DN" - lãnh đạo Tổng cục Môi trường nhấn mạnh.
Trước đó, đã có bài báo đã phản ánh những lo lắng của cộng đồng DN khi mức ký quỹ NK phế liệu dự tính lên đến 80% giá trị lô hàng. Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam băn khoăn: Nếu theo quy định của dự thảo mức ký quỹ lên đến 80% giá trị lô hàng thì số tiền ký quỹ của ngành thép lên đến trên 1 tỉ USD, tương đương khoảng 23 nghìn tỉ đồng/năm. Mức ký quỹ này là quá lớn. Đó là gánh nặng quá lớn đối với các DN ngành thép.
Ông Vũ Ngọc Bảo, Hiệp hội DN Giấy và Bột giấy Việt Nam cho rằng: Nếu thực hiện việc ký quỹ lên đến 80% giá trị lô hàng thì trung bình một DN ngành giấy phải ký quỹ gần 1 tỉ đồng/lô hàng. Nếu DN phải đi vay tiền để ký quỹ, thì lãi suất vay trong 2 tháng sẽ khiến chi phí tăng gần 2%. Như vậy năng lực cạnh tranh ngành giấy giảm sút rất lớn.
Theo báo Hải quan
0 comments:
Post a Comment