BTricks

Giấy Sài Gòn: Bí ẩn mối quan hệ Cao Tiến Vị- Mai Hữu Tín

(Baodautu.vn) Sự im ắng của Giấy Sài Gòn sau một thời gian cổ đông nội thay chỗ cho Daio Paper (Nhật Bản) và lời hẹn tái xuất vào năm 2015 của ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn khiến thị trường tò mò.

Ông Cao Tiến Vị lui để tiến?

Rất có thể thời gian tới, vị trí của ông Cao Tiến Vị trong Giấy Sài Gòn sẽ thay đổi. Đang có tin đồn về khả năng ông Vị sẽ nâng tỷ lệ sở hữu và quay trở lại vị trí Chủ tịch HĐQT, nhất là khi phân tích diễn biến gần đây trên thị trường và chiến lược tái cấu trúc của Giấy Sài Gòn. Ban lãnh đạo đang muốn nắm cổ phần chi phối và tập trung, phương thức để giúp họ nhanh chóng đưa ra các quyết định.

Giấy Sài Gòn đang đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp giấy hàng đầu khu vực ASEAN vào năm 2015 Đặc biệt, trên vai trò cổ đông nắm sở hữu chi phối kiêm điều hành trực tiếp, ông Vị là người kiến thiết toàn bộ quá trình tái cấu trúc và trực tiếp điều phối mọi kế hoạch. Tuy nhiên, đó chỉ là đồn đoán.

Tính đến thời điểm này, ông Mai Hữu Tín đã là Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn được hơn 1 năm, sau khi mua lại toàn bộ 42,30% (tương đương 416 tỷ đồng vốn điều lệ của Giấy Sài Gòn) từ Tập đoàn Daio Paper -(Nhật Bản) vào cuối tháng 8/2013. Ông Cao Tiến Vị và 2 quỹ đầu tư Bridgehead và BVIM cùng các cổ đông còn lại sở hữu 57,7%, gần 570 tỷ đồng vốn điều lệ.

“Chúng tôi mới thực hiện tái cấu trúc, đang trong quá trình hoàn thiện, chưa có nhiều điều để nói. Chắc khoảng 1 năm nữa sẽ có kết quả rõ ràng hơn”, ông Vị trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đầu tư.

Tuy vậy, kết quả kinh doanh, tính riêng sản phẩm giấy tiêu dùng (tissue) của Giấy Sài Gòn thực tế khá đáng kể, thậm chí đã vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường. 10 tháng đầu năm 2014, giấy tissue đã đem về cho Công ty doanh số khoảng 500 tỷ đồng.

“Mục tiêu của chúng tôi năm nay đạt khoảng 700 tỷ đồng cho giấy tissiue, tăng lên 1.000 tỷ đồng vào năm sau”, ông Vị nói. Với kết quả kinh doanh này, mức tăng trưởng dự kiến của Công ty năm nay khoảng trên 20%, bám theo mục tiêu đề ra từ đầu năm.

Có thể thấy, mục tiêu đổi mới mà ông Vị đặt ra khi lui chân về vị trí tổng giám đốc đã có kết quả. Hay nói như chính vị CEO đặc biệt này thì đây là một cuộc chơi rất thú vị.

“Tôi đang là người trực tiếp tham gia vào mọi việc, từ tái cấu trúc đến việc thực hiện. Có thể hình ảnh của tôi lúc nổi lên, lúc đứng lại hoặc ẩn đằng sau, nhưng mọi việc đều đang trong sự sắp xếp, ngay cả câu chuyện chuyển giao quyền lực”, ông Vị nói và hứa hẹn sẽ có những thay đổi hay hơn vào thời gian tới.

Phải chăng kế hoạch lui để tiến của ông Vị đang được triển khai. Cũng phải nhắc lại, khi thương vụ thoái vốn Daio Paper khỏi Giấy Sài Gòn được công bố, nhiều người đã đặt câu hỏi rằng, dường như mối quan hệ thân thiết giữa ông Vị và ông Tín đã khiến vấn đề của Giấy Sài Gòn được xử lý êm ấm, với sự xuất hiện đúng lúc của ông Tín.

Khi đó, ông Tín đã bình luận, quyết định đầu tư của ông vào đây hội đủ các điều kiện, tin vào năng lực điều hành của nhà sáng lập Giấy Sài Gòn và đội ngũ ở Công ty cũng như hiểu rõ ngành nghề của Giấy Sài Gòn và nhìn thấy tương lai xán lạn của nó.

“Đúng là quan hệ bạn bè giữa tôi và anh Vị đã làm cho mọi việc dễ dàng hơn, nhưng đó không phải là yếu tố quyết định”, ông Tín lý giải.

Còn ông Vị khi đó đã nói, mối quan tâm của ông lúc ấy là sự tồn tại và phát triển của Giấy Sài Gòn. “Nếu công ty không tồn tại, mọi tính toán đều vô nghĩa” là câu đầu tiên mà nhà sáng lập Cao Tiến Vị chia sẻ sau khi nhận vị trí Tổng giám đốc Giấy Sài Gòn, trao lại chức danh Chủ tịch HĐQT cho ông Mai Hữu Tín.

Tiếp tục kế hoạch M&A

Với việc khánh thành Nhà máy giấy Mỹ Xuân II được công ty đầu tư 120 triệu USD vào tháng 9/2014, mục tiêu trở thành doanh nghiệp cung cấp giấy và sản phẩm giấy chất lượng hàng đầu khu vực ASEAN vào năm 2015, doanh số đạt 2.000 tỷ đồng (tăng 125% so với 2011), sản lượng đạt 123.200 tấn đang đến gần hơn.

Nhà máy Mỹ Xuân II đang cung cấp 90% sản lượng giấy tráng phấn và giấy tiêu dùng cho thị trường nội địa.

Tuy nhiên, khó khăn không phải nhỏ. Ông Vị xác định, cuộc chơi sắp tới khá khốc liệt. “Chúng ta hội nhập khá toàn diện với ASEAN, cũng như với các nền kinh tế lớn nhất của thế giới. Câu hỏi là làm sao có được giá thành hợp lý trong sản xuất, chiến lược thị trường phù hợp luôn được quan tâm hàng đầu. Nhưng câu trả lời không dễ”, ông Vị thừa nhận.

Nhìn lại, ngay cả thời điểm hoàn thành Mỹ Xuân II của Giấy Sài Gòn cũng khá long đong. Khởi công năm 2007, Nhà máy này đáng ra hoàn thành vào năm 2009-2010, nhưng do khủng hoảng kéo dài, cộng với sự thay đổi chính sách vĩ mô, nên bị gián đoạn. Vào lúc này, với quy mô hiện tại, công ty chắc cũng cần khoảng từ 2- 3 năm mới khai thác hết công suất của Nhà máy, đồng thời tạo ra một thế đứng vững chắc hơn trong thị trường.

Việc thoái vốn của Daio Paper vào năm ngoái cũng nằm ngoài tầm kiểm soát của phía Giấy Sài Gòn khi xuất phát từ những biến động từ nội bộ của Daio và sự thay đổi chiến lược đầu tư của họ, bắt đầu từ tháng 4/2011. Tháng 6/2012, Daio Paper bị chính đối thủ Hokuetsu Kishu Paper mua lại trong một thương vụ có giá trị lên đến 10 tỷ Yên để sở hữu 20% cổ phần. Và mọi chuyện đã ảnh hưởng đến Giấy Sài Gòn và ông Vị đã phải quay trở lại nắm quyền điều hành từ đầu năm 2013. Việc cắt giảm chi phí được thực hiện ngay.

Là người sáng lập Giấy Sài Gòn, ông Vị cho biết, sau giai đoạn khó khăn, Giấy Sài Gòn đang trong quá trình xác định lại chiến lược dài hạn. “Khẳng định nó sẽ như thế nào thì lúc này chưa thể nói được”, ông Vị nói và cho biết phải chờ đến đầu năm 2015 thì mới xác định rõ. Tuy nhiên, mục tiêu chính vẫn là doanh nghiệp phải tồn tại và phát triển một cách an toàn.

Mục tiêu an toàn đã được vị sáng lập thực hiện trong suốt thời gian qua. Đó là không đầu tư ngoài ngành, không đặc mục tiêu lợi nhuận quá lớn, không nóng vội. Đây cũng là doanh nghiệp duy nhất trong ngành giấy nhận được vốn đầu tư nước ngoài.

“Chúng tôi có được các nhà đầu tư nhờ biết cách tạo sân chơi để nhà đầu tư đồng hành cùng với mình, cảm nhận được sự khó khăn, phức tạp để cùng nhau tháo gỡ. Tất nhiên, mỗi nhà đầu tư có quan điểm, mục đích riêng của họ. Mình phải kiên nhẫn và có giải pháp để cả hai cùng đồng hành”, ông Vị nói.

Ngành giấy là một ngành kinh doanh không dễ nhằn vì đầu tư rất lớn, chi phí vốn lớn, thâm dụng lao động nhưng lợi nhuận không cao. Theo đánh giá của một số doanh nghiệp trong ngành, Việt Nam có khoảng 500 doanh nghiệp và hộ cá thể sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này, song chỉ có 5 doanh nghiệp được xem là có đầu tư bài bản.

Trong đó, hai công ty đang dẫn đầu ngành giấy tissue là Giấy Sài Gòn (khoảng 20% thị phần với doanh số khoảng 500 tỷ đồng) và New Toyo Pulppy (doanh số 420 tỷ đồng, chiếm 16,8% thị phần). Xét về quy mô đầu tư, hai công ty có hệ thống phân phối khá hoàn chỉnh và rộng khắp cả nước.

3 công ty còn lại là Công ty Giấy Tissue Sông Đuống, Pulppy Corelex (liên danh giữa San- EiRegulator - Nhật và New Toyo International - Singapore) và Công ty CP Diana Paper.

Chính vì vậy, theo ông Vị, việc tìm được nhà đầu tư chiến lược có ý nghĩa rất lớn với doanh nghiệp nội trong ngành. Thực tế, Giấy Sài Gòn đã đi khá nhanh trong chiến lược này. Thành lập năm 1997, 10 năm sau, vào năm 2007, Giấy Sài Gòn phát hành cổ phần, huy động vốn từ 7 quỹ đầu tư trong và ngoài nước.

“Đây là cách hay để đi nhanh. Tùy nhu cầu phát triển để doanh nghiệp lựa chọn nhà đầu tư tài chính hay nhà đầu tư cùng ngành nghề làm nhà đầu tư chiến lược. Hiện tại, Giấy Sài Gòn cần nhà đầu tư chiến lược cùng ngành nghề để bổ sung vào kỹ thuật và chuyên môn, ngoài vốn”, ông Vị nói và khẳng định, vị trí của thương hiệu Giấy Sài Gòn cho phép ông tin vào các cuộc M&A tới…

Bảo Giang - Thanh Tân
Share on Google Plus

About Nguyễn Tiến Cường

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Post a Comment