Ngành điện bất ngờ tăng giá ở mức cao nhưng không đưa ra được lý do thuyết phục, trong khi đó lại tác động rất tiêu cực đến sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.
Chỉ EVN hưởng lợi!
Theo lý giải của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với mức tăng giá điện bình quân lên 7,5% vào ngày 16-3, chỉ làm phát sinh chi phí tăng thêm cho mỗi gia đình sử dụng 50kWh điện/tháng là 4.800 đồng. Còn riêng đối với các hộ sản xuất, kinh doanh, sẽ tăng từ 0,06 đến 0,6%, tùy từng lĩnh vực. Nghĩa là việc tăng giá điện lần này không ảnh hưởng quá lớn đến sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp! Đổi lại, việc điều chỉnh giá điện sắp tới sẽ đảm bảo các yêu cầu để EVN không bị lỗ. Dự báo doanh thu năm 2015 toàn tập đoàn tăng thêm 13.000 tỷ đồng và dự kiến có lãi khoảng 1.500 tỷ đồng, tương đương khoảng 1% vốn chủ sở hữu trên mức lợi nhuận thông thường khoảng 3%. Trong khi đó, nếu không điều chỉnh, năm nay, EVN sẽ tiếp tục lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng.
Trái với niềm hân hoan của ngành điện, hầu hết các ngành sản xuất kinh doanh đều rầu rĩ khi hay tin giá điện sẽ tăng vọt ở mức 7,5%, thay vì tăng dần ở mức từ 3% - 5% như những lần trước đây. Theo phân tích của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), chi phí điện chiếm khoảng 7% trong cấu thành giá sản xuất phôi thép. Theo đó, trong khoảng hơn 10 triệu tấn thép sản xuất, có tới 70% - 80% phôi thép sản xuất bằng điện. Mỗi tấn phôi thép cần khoảng 400 - 500kWh điện nếu sử dụng công nghệ hồ quang và khoảng 600kWh nếu sử dụng công nghệ cảm ứng. Dựa trên mức tiêu hao điện năng từ khâu luyện phôi đến cán thép, mức tiêu hao điện năng sẽ khiến chi phí sản xuất thép tăng thêm khoảng 80.000 - 100.000 đồng/tấn khi điện tăng giá 7,5%. Với mức tăng này, cộng thêm bối cảnh ngành thép đang gặp nhiều khó khăn như dư thừa nguồn cung, cạnh tranh gay gắt với giá phôi thép và thép giá rẻ từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản… khiến khó khăn càng chồng chất. Tương tự, Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam cho biết, việc điều chỉnh tăng 7,5% giá bán điện ảnh hưởng tới việc tăng giá thành sản xuất của ngành giấy từ 0,5% đến 0,8%, tương đương 1 tấn giấy. Riêng đối với các ngành cao su - nhựa, da giày, thủy hải sản lẫn hệ thống siêu thị cũng cho biết, với mức tăng giá điện lần này một lúc quá cao khiến hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng rất lớn. Do đó, các ngành này đang xem xét để điều chỉnh tăng giá bán trong trường hợp nguyên phụ liệu “té nước theo mưa” khi giá điện tăng, dẫu sức mua hiện nay vẫn chưa được cải thiện.
Là ngành có mức tiêu thụ điện năng khá lớn, Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết, sẽ mất khoảng 100 tỷ đồng trong năm 2015 trong lần EVN điều chỉnh tăng giá điện sắp tới. “Chưa kể, việc EVN đột ngột tăng giá điện đã làm đảo lộn kế hoạch sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp do kế hoạch về sản xuất, kinh doanh đã được xây dựng sát với thị trường. Trong khi đó, ngành xi măng không thể tăng giá bán vì hiện cung đang vượt cầu, xuất khẩu không ổn định”, một cán bộ Vicem phân tích.
Nhiều lo ngại
Theo phân tích thị trường của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, giá điện tăng cũng sẽ dẫn dắt chỉ số giá sản xuất PPI tăng lên. Tuy nhiên, mức độ tăng sẽ khác nhau giữa các ngành nghề, doanh nghiệp, nhưng sẽ đặc biệt lớn đối với các ngành sử dụng nhiều điện như sản xuất thép, xi măng… Cục Thống kê cho biết, giá điện tăng 7,5% sẽ làm tăng CPI trên 0,26% so với dự báo, do tác động gián tiếp ảnh hưởng tới giá cả hàng hóa sản phẩm dịch vụ. Theo đó, dự kiến, tổng mức ảnh hưởng cả năm của giá điện vào CPI sẽ khoảng 0,46%. Đây là mức tác động khá mạnh so với trong suốt 4 tháng qua âm, do chủ yếu từ giá xăng giảm.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Minh Hải, Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, việc tăng giá điện lần này sẽ tác động lớn đến các doanh nghiệp. Bởi năm nay là năm hội nhập, do đó khi tốn một khoản chi phí lớn phát sinh so với kế hoạch kinh doanh ban đầu, sẽ khó chống đỡ. Ngoài ra, việc tăng giá điện cũng làm tăng thêm chi phí của người dân. Vì vậy, nếu mức tăng giá điện ở mức khoảng 3% mỗi lần và có lộ trình tăng dần, đồng thời có khung và dự báo trước, các doanh nghiệp, người dân sẽ có kế hoạch để chủ động ứng phó trước. “Chưa kể, việc tăng giá lần này của EVN chưa thuyết phục do thời điểm hiện nay, tài nguyên nước không thiếu, xăng dầu giảm giá hơn một năm qua... là những điều kiện khá thuận lợi để giảm chi phí sản xuất. Do đó, việc EVN nại ra lý do tăng giá điện do chi phí nhân công, sản xuất… tăng cao càng khó chấp nhận. Trong khi đó, trước khi đề xuất tăng giá, EVN cũng không công bố số liệu thống kê hoặc công bố các con số lỗ lãi không rõ ràng, càng khiến dư luận nghi ngờ việc làm ăn và thua lỗ của EVN trước khi thẩm định giá điện chính xác”, ông Hải phân tích. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, thay vì chăm chăm tăng giá, EVN cần phải nhìn nhận lại cách quản lý của mình hiện nay. Trong đó, EVN cần xem xét liệu biên chế có cồng kềnh quá hay không, cách khắc phục hao tổn điện năng đã hiệu quả chưa, đồng thời rà soát các loại chi phí phát sinh không nằm trong danh mục được hạch toán lấy từ đâu hay lại hạch toán luôn vào giá thành sản xuất điện. “EVN là doanh nghiệp nhà nước, việc báo lỗ nhưng lỗ do chủ quan hay do khách quan, cần phải phân biệt rõ ràng, chứ không thể cứ lỗ là đòi tăng giá điện, bắt dân gánh chịu”, TS Trần Minh Ngọc, chuyên gia kinh tế Đại học Công nghiệp TPHCM, đặt vấn đề.
LẠC PHONG
0 comments:
Post a Comment