BTricks

Quy định mới về nhập khẩu máy cũ sẽ làm khó doanh nghiệp

(TBTCO) - Bất cập trong tiêu chí về “thời gian sử dụng không quá 10 năm” và “chất lượng còn lại từ 80%” trở lên, sự phân biệt giữa DN trong - ngoài nhà nước… tại dự thảo thông tư quy định việc nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng không chỉ khiến DN bị làm khó, mà còn “đẻ” ra thêm nhiều thủ tục phức tạp.

Đây cũng là những nội dung chính được tập trung trao đổi, thảo luận tại hội thảo lấy ý kiến DN hoàn thiện dự thảo thông tư quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng do Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 18/3, tại Hà Nội.

Bà Trần Tuyết Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KHCN) cho biết, Bộ KHCN đang soạn dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 20/2014/TT-BKHCN quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

Theo quy định của dự thảo, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng do DN nhà nước nhập khẩu phải đáp ứng đồng thời cả hai tiêu chí thời gian sử dụng không quá 10 năm và chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên.

Máy móc, thiết bị đã qua sử dụng do tổ chức ngoài DN nhà nước, cá nhân nhập khẩu phải đáp ứng một trong hai tiêu chí thời gian sử dụng không quá 10 năm hoặc chất lượng còn lại từ 80% trở lên.

Góp ý về quy định này, ông Fred Burke, Trưởng nhóm Công tác thương mại và Đầu tư Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho rằng, tiêu chí “chất lượng còn lại từ 80% trở lên” cho tất cả các máy móc thiết bị đã qua sử dụng là không hợp lý. Bởi, máy móc, thiết bị của mỗi ngành nghề cần có sự phân nhóm và có tỷ lệ tương ứng phù hợp.

Bên cạnh đó, không có cơ sở, tiêu chí rõ ràng để đưa ra con số 80%. “Mỗi quốc gia và mỗi nhà sản xuất áp dụng tiêu chuẩn chất lượng khác nhau, nên máy móc nhập khẩu đã qua sử dụng chất lượng còn lại ít hơn 80% không hẳn sẽ kém chất lượng hơn máy móc mới. Thêm vào đó, mức quy định 80% còn quá cao, hầu như là mới hoàn toàn, gây khó khăn cho DN Việt Nam, đặc biệt trong tình hình kinh tế khó khăn”, ông Fred Burke nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng, dựa vào tiêu chí về thời gian (không quá 10 năm) và mức chất lượng còn lại (từ 80% trở lên) là không khả thi. Theo ông Mại, quy định 10 năm còn có thể tính được, nhưng còn quy định chất lượng còn lại trên 80% thì ngay cả những đơn vị như hải quan, kiểm tra chất lượng đều cho rằng không thể nào giám định được.

“Chưa kể, thêm quy định này sẽ tạo nên một tiền lệ tiêu cực là DN đi “phong bì nặng” cho các cơ quan quản lý và kiểm định chất lượng để máy móc cũ không đáp ứng đúng tiêu chí sẽ trở thành đủ điều kiện nhập khẩu”, ông Mại nhấn mạnh.

Góp ý từ góc độ hiệp hội, ông Vũ Ngọc Bảo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cũng đặt ra câu hỏi, Bộ KHCN dựa trên cơ sở, tiêu chí nào để đưa ra con số 80% hay 70%? Ông Bảo cho rằng, nếu xét về tiêu chí “mới tinh”, một số máy mới 100% của Trung Quốc thua kém nhiều lần về tiêu chí công nghệ so với máy nhập khẩu đã qua sử dụng của một số nước phát triển. Ông Bảo dẫn chứng có một số máy móc trong ngành giấy được một số công ty giấy nhập khẩu từ những năm 1945 mà đến nay vẫn sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế tốt.

Bên cạnh đó, ông Bảo cũng cho biết, thực tế máy móc nhập khẩu trong quá trình sử dụng có thể liên tục được thay thế phụ tùng, nâng cấp để phù hợp với chất lượng của thị trường yêu cầu. Bởi vậy, ông Bảo cho rằng, những tiêu chí nêu ra như trong dự thảo còn quá “mơ hồ”, mang tính định tính hơn là định lượng, thiếu cụ thể,…

“Nên chăng thay vì cho ra đời một văn bản, thông tư như dự thảo, nhà nước và các cơ quan chức năng nên đưa ra những quy định để đảm bảo máy móc không gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ an toàn cho người lao động…”, ông Bảo đề xuất./.
Thiện Trần
Share on Google Plus

About Nguyễn Tiến Cường

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Post a Comment