TP - Việt Nam đóng góp cho thế giới dòng tranh vẽ bằng nước trên chất liệu bột tre. Khi “đông” lại trên tờ giấy tre đã có sẵn hình chìm nổi của một bức tranh - gọi là trúc chỉ. Những người sáng lập trúc chỉ dự định sẽ lập làng nghề cho tương lai chuyên làm loại hình nghệ thuật độc đáo này.
Trúc chỉ sẽ trở thành tâm điểm của Festival Làng nghề Huế năm nay. Để chuẩn bị cho sự kiện này, các nghệ sĩ trúc chỉ sẽ có các buổi trao đổi với các làng nghề lâu đời ở Huế để cho ra các sản phẩm kết hợp tinh hoa của cả hai bên. Việc Huế lựa chọn trúc chỉ làm tâm điểm của Festival chứng tỏ những người làm trúc chỉ được nhìn nhận như một làng nghề, đúng hơn là nòng cốt của một làng nghề tương lai. “Làng” hiện mới chỉ có 15 dân - đa số tốt nghiệp mỹ thuật- quần tụ trong căn nhà 150m2 trên đường Triệu Quang Phục, Huế. Họ tự gọi công ty của mình là vườn Trúc Chỉ.
Sao lại là tre?Trúc chỉ - danh xưng do học giả Bửu Ý nghĩ ra, dịch ra là giấy tre. Nhưng trúc chỉ không đơn thuần là giấy. Ngoài sản phẩm giấy làm từ bột tre theo kiểu thủ công dùng để viết, vẽ, in… như giấy thông thường, “trúc chỉ” dùng để chỉ thành phẩm có thể được sử dụng ngay như tranh mà chưa cần vẽ màu lên. Họa sĩ dùng nước thay bút để tạo hình khi tờ giấy ướt còn nằm trên khung seo, để khi khô có ngay bức tranh. Thành phẩm có thể dùng để làm đồ nội thất, trang trí hoặc có thể được tiếp tục vẽ màu thành tranh.
Những người làm trúc chỉ tuân thủ phương châm “phép cộng và sự trở về”. Sự trở về với truyền thống đã cho họ giấy tre. Không chỉ dừng lại ở việc biến nó thành trúc chỉ, họ còn kết hợp (cộng) với các loại hình nghệ thuật khác, gia tăng đời sống cho trúc chỉ. Chẳng hạn tranh XQ thay vì thêu trên lụa thì dùng trúc chỉ. Đêm diễn của Lê Cát Trọng Lý tháng 9 năm ngoái ở Huế sử dụng bộ tranh Mùa trăng của Ngô Đình Bảo Vi bồi trúc chỉ trên lụa để làm phông nền sân khấu.
Thiếu nữ Huế và quạt trúc chỉChính “phép cộng” đã giúp trúc chỉ giành giải Ba tại Triển lãm Mỹ thuật Ứng dụng toàn quốc 2014 với bộ sản phẩm Hoa hồng của Ngô Đình Bảo Vi. Để có chiếc dù (ô) như trong bộ Hoa hồng, Vi đã đi gặp một gia đình có truyền thống làm nan dù ở Huế, thuyết phục họ trở lại làm bằng tre (thay vì bằng nhựa). Đèn lồng trúc chỉ sử dụng bộ khung của làng nghề mây tre đan Bao La. Mô - típ vẽ trên đèn lấy từ tranh làng Sình. Tay nắm đèn bằng đồng của một làng nghề khác. Đây là kết quả một năm rưỡi dấn thân vào trúc chỉ của Vi và đồng sự. Hầu như cứ mỗi tháng, họ lại có bước tiến trong xử lý nguyên liệu. Thoạt đầu trúc chỉ phải được soi sáng, hình ảnh chìm mới hiện lên, giờ chưa cần soi đã thấy. Chiếc ví đầu tiên làm bằng trúc chỉ và da, bên ngoài cán một lớp nhựa, Vi dùng cũng phải 2 năm mới hỏng. Nay dòng sản phẩm mới phô hẳn trúc chỉ ra ngoài. Được biết đại diện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sau khi xem bộ sản phẩm của Vi đã đề cập việc đặt hàng để trưng bày và triển lãm.
Loại trúc chỉ dùng làm đèn lồng, nón, ô, túi xách… có phụ gia chống thấm trong thành phần. Riêng ô, nón tuy đã qua thử nghiệm phun nước, nhưng dù sao chúng vẫn để làm đẹp là chính. Những người làm ra chúng vẫn chưa thể đảm bảo ô trúc chỉ có thể che mưa ngày này qua ngày khác. Trúc chỉ đang được thử nghiệm để may áo lễ theo kiểu cung đình Huế, tất nhiên chỉ để trình diễn.
Nhiều người gợi ý vườn Trúc Chỉ làm giấy sắc phong. Loại giấy vốn làm từ vỏ dó này trên thị trường có giá tới 3 triệu/tờ A0 (cỡ 70X110cm) nay thường được dùng để viết gia phả. Nhưng câu trả lời của Trúc Chỉ là không: “Chúng tôi không phục dựng mà tiếp biến những gì đã có, làm mới những giá trị truyền thống để hướng đi tới tương lai rộng hơn,” Vi nói. “Nhiều cái phục dựng xong không biết để làm gì rồi lại bị lãng quên”.
Bên cạnh hướng đi ứng dụng, trúc chỉ đương nhiên là phương tiện sáng tác của những “người trúc chỉ”. Có thể kể đến bộ tranh Ký ức làng quêcủa Trần Ánh Phi và sắp đặt Vì tình yêu là đủ cho tình yêu của Ngô Đình Bảo Vi đều giành giải Khuyến khích tại Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc 2014.
Nhóm du học sinh ĐH Harvard thăm vườn trúc chỉNgười sáng chế ra trúc chỉ và lối vẽ trên bột giấy ướt là họa sĩ Phan Hải Bằng (giảng viên Đồ họa ĐH Nghệ thuật Huế) vào khoảng cuối 2011. Sau quá trình nghiên cứu cách làm giấy dó ở Bắc Ninh, giấy sa ở Thái Lan…, Phan Hải Bằng quyết chọn loại cây phổ biến và mang tính biểu tượng của Việt Nam làm nguyên liệu chính. Anh từng thử nghiệm với rơm, tre, mía, chuối… “Mỗi nguyên liệu mang một vẻ đẹp riêng, tuy nhiên tre đáp ứng đủ các yêu cầu, vừa thỏa mãn tính ứng biến của nghệ thuật tạo hình, vừa có đủ độ bền, dai như giấy thông thường. Các xơ trẻ vừa đủ dài và đại để có thể tự động kết dính với nhau trong tấm trúc chỉ mà chưa cần thêm bất kỳ chất keo nào - rất thích hợp cho việc chế tác, làm tranh”, Hải Bằng khẳng định.
Anh cũng nhận ra hiệu ứng lan tỏa và kết nối năng lượng sáng tạo của trúc chỉ: hầu như bất kỳ ai, đặc biệt là nghệ sĩ, khi tiếp xúc với trúc chỉ đều nảy sinh một hoặc nhiều ý tưởng của riêng mình gần như ngay lập tức.
Phải đẹp!
Được đào tạo về thiết kế Đồ họa tại ĐH Mỹ thuật TPHCM, nhưng Vi lại đặc biệt hứng thú với việc tạo ra các nghệ phẩm có thể cầm nắm được. Sau khi tới triển lãm Nghệ thuật Trúc chỉ tháng 9/2012 tại Đà Lạt, Vi không thôi nghĩ về trúc chỉ. Tháng 7/2013, cô quyết định dẹp công việc riêng (một xưởng đồ da và quán cà phê) đang vào guồng tại Sài Gòn, theo tiếng gọi trúc chỉ đến Huế, mang theo một kế hoạch dài hơi. Bằng và Vi mong muốn ít nhất 5-10 năm sau có thể làm cho thế giới biết Việt Nam, bên cạnh giấy dó còn có trúc chỉ, cũng như Nhật có giấy washi, Hàn Quốc có hanji…
Xuất hiện trên thị trường chưa lâu nhưng có lẽ do tính độc đáo của vật liệu và sự tài khéo của các nghệ sĩ nên các sản phẩm trúc chỉ được khách hàng đón nhận khá tốt. Công ty liên tục đào tạo người mà làm vẫn không xuể sản phẩm. “Nhiều công ty du lịch muốn có sản phẩm đặc trưng Việt Nam để tặng khách hàng”, Ngô Đình Bảo Vi - hiện là giám đốc kinh doanh của trúc chỉ giãi bày.
Làng nghề chính là hướng phát triển mà trúc chỉ chủ động vươn tới. “Giai đoạn này chúng tôi chưa muốn đẩy mạnh kinh doanh mà muốn mọi người hiểu trúc chỉ là gì đã”, Vi khẳng định. “Xong phần khẳng định giá trị, trúc chỉ có thể sẽ phát triển thành làng nghề. Chúng tôi muốn mang lại hiệu ứng xã hội cho trúc chỉ, không giữ cho mình. Có thể đời chúng tôi chỉ xây dựng, đời sau mới hưởng được cũng không sao. Vì chúng tôi muốn để lại những giá trị thật sự”.
0 comments:
Post a Comment