Vướng quy hoạch, Dự án Bột giấy Dung Quất (Quảng Ngãi) của Tập đoàn Sojitz và JK, vốn đầu tư 154 triệu USD, có nguy cơ phá sản.
Kế hoạch cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án Bột giấy Dung Quất, do liên doanh giữa Tập đoàn JK (Ấn Độ), Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) và Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) đầu tư, cho đến nay vẫn chưa thể thực hiện được, cho dù đã được các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi liên tục đặt ra các mục tiêu: cuối năm 2013, rồi cuối năm 2014.Lý do, theo ông Lê Văn Dũng, Phó trưởng ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất, là vì dự án này không nằm trong Quy hoạch Phát triển ngành công nghiệp giấy đến năm 2020, có xét đến năm 2025, do Bộ Công thương ban hành ngày 18/11/2014. Chính vì thế, dù nhà đầu tư đã chính thức nộp hồ sơ dự án từ lâu và cũng rất tha thiết với kế hoạch triển khai Dự án, song Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất chưa thể cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Chuyện này đã xảy ra từ cuối năm 2014. Sau đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đề xuất việc bổ sung Dự án vào Quy hoạch. Tuy nhiên, trong văn bản trả lời tỉnh Quảng Ngãi vào giữa tháng 2/2015, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, trên địa bàn khu vực Trung Trung Bộ và Duyên hải miền Trung hiện có 3 dự án bột giấy đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, bao gồm Dự án Bột giấy Tân Mai, Dự án Nhà máy Sản xuất bột giấy Bình Định và Dự án Nhà máy Bột giấy VNT, với tổng công suất là 530.000 tấn bột giấy/năm.Viện dẫn thông tin trên, trong văn bản trả lời tỉnh Quảng Ngãi, Bộ Công thương đã nêu rõ: "Chủ trương triển khai xây dựng Dự án Nhà máy Bột giấy Dung Quất trong khi có 2 dự án tại địa phương đang triển khai cần phải được cân nhắc kỹ để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và Quy hoạch Phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đã được phê duyệt".
Văn bản của Bộ Công thương cũng đã đề nghị UBND tỉnh Quang Ngãi chỉ đạo các đơn vị có liên quan rà soát việc triển khai đối với các dự án sản xuất bột giấy trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận, tạm thời chưa cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với Dự án Bột giấy Dung Quất và chưa cấp thêm giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án mới.Với văn bản đó của Bộ Công thương, Dự án Bột giấy Dung Quất của Sojitz, JK và Vinafor vì văn bản này đang bị "tắc lại".
Câu chuyện nằm ở chỗ, trong các dự án trên, Dự án VNT của Tổng công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Vietracimex (quy mô 350.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm, vốn đầu tư 350 triệu USD) đang có những động thái tích cực, quyết tâm đầu tư theo đúng tiến độ đã cam kết (lắp đặt máy móc, thiết bị trong quý III/2015 và vận hành thử trong quý I/2017), trong khi Dự án Bột giấy Tân Mai đang chậm tiến độ.Dự án Bột giấy Tân Mai do Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai đầu tư, với vốn đầu tư dự kiến 5.000 tỷ đồng, quy mô 130.000 tấn bột giấy/năm, do một số khó khăn đã xin lùi thời gian triển khai đến quý I/2017, cho dù đã nhập một số thiết bị về tập kết ở Cảng Dung Quất. Năm 2014, các chỉ tiêu về sản xuất, tiêu thụ, doanh thu của Công ty Tân Mai chỉ đạt 50% kế hoạch.
Trong khi đó, dự án còn lại - Dự án Bột giấy Bình Định của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (công suất 150.000 tấn/năm, vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng) cũng chưa được triển khai.Trước đây, ở Bình Định còn có Dự án Bột giấy Sài Gòn - Bình Định (công suất 280.000 tấn bột giấy tẩy trắng và 140.000 tấn giấy tráng phủ/năm, vốn đầu tư 8.800 tỷ đồng), nhưng đã bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư từ cuối năm 2012.
Trong khi đó, ở Quảng Nam cũng có dự án bột giấy công suất 115.000 tấn/năm, vốn đầu tư 2.250 tỷ đồng của Tổng công ty Incomex, nhưng dự án này đã bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư từ giữa năm 2012.Còn Kon Tum trước đây cũng có dự án bột giấy của Tổng công ty Giấy Việt Nam, nhưng đã dừng triển khai. Riêng dự án bột giấy của Tân Mai tại đây cũng gặp khó khăn tương tự Dự án Tân Mai Quảng Ngãi.
Như vậy, trên thực tế, ở khu vực Trung Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên, dù nguồn nguyên liệu dồi dào và không ít dự án được cấp phép, song chưa dự án nào được triển khai thành công. Quy hoạch mà Bộ Công thương xây dựng trở thành "quy hoạch treo", gây cản trở các kế hoạch đầu tư của các doanh nghiệp có năng lực.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, ngành giấy Việt Nam đang phải nhập khẩu một lượng lớn bột giấy. Một trong những nghịch lý lâu nay được nhắc tới trong ngành giấy là, nguyên liệu dăm gỗ để chế biến và bột giấy luôn ở tình trạng bán thấp - mua cao. Trong khi Việt Nam luôn đứng đầu thế giới về khối lượng xuất khẩu dăm gỗ với giá trị rất thấp, thì lại phải nhập khẩu khối lượng lớn bột giấy với giá cao.
Văn bản do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ ký gửi Bộ Công thương cuối năm 2014 cho biết, chỉ riêng năm 2013, sản lượng dăm gỗ xuất qua cảng nước sâu Dung Quất là 2,4 triệu tấn tươi, tương đương 1,2 triệu tấn khô, chiếm 40% lượng dăm gỗ xuất khẩu của cả nước. Sản lượng dăm gỗ xuất khẩu qua các cảng xung quanh như Quy Nhơn, Tiên Sa, Chân Mây cũng tương tự.
"Với giá xuất trung bình 130 USD/tấn khô so với 600 - 700 USD/tấn bột giấy, thì rõ ràng, việc xuất thô, nhập tinh là lãng phí tài nguyên quốc gia", UBND tỉnh Quảng Ngãi lý giải.
Sojitz đã đầu tư tại Việt Nam trong hơn 20 năm qua và có nhiều nhà máy sản xuất dăm gỗ xuất khẩu ở khu vực miền Trung. Chính vì vậy, mong muốn của tập đoàn này là sớm xây dựng nhà máy sản xuất bột giấy để tiêu thụ lượng dăm gỗ lâu nay vẫn xuất khẩu. Tuy nhiên, mong muốn này chưa thể sớm trở thành hiện thực chỉ vì vướng quy hoạch, mà lại là quy hoạch treo.
Theo Nguyên Đức - Đầu tư
0 comments:
Post a Comment