BTricks

Khi thực khách bị tiêu chảy vì... công nghệ sản xuất giấy ăn và giấy vệ sinh bẩn

Các chuyên gia chỉ rõ, các loại vi khuẩn như tụ cầu, ecoli... dễ dàng xâm nhập vào giấy ăn khi chúng được sản xuất xong. Khi lau miệng, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào cơ thể, gây ra các bệnh như tiêu chảy, tả, lị, thương hàn...

Cán bộ địa phương cam đoan, khẳng định: “Nguyên liệu sản xuất giấy vệ sinh là giấy cao cấp"

Làng nghề giấy Phong Khê lụp xụp chụp giật, sự vô trách nhiệm cũng như sự luộm thuộm trong quản lý chất lượng các sản phẩm là nguyên nhân chính gây nên thảm họa giấy ăn, giấy vệ sinh bẩn âm thầm “sát hại” người tiêu dùng như hiện nay. Nguy hiểm nhất ở đây chính là sự lấp liếm, dối trá, cũng như việc “cha chung không ai khóc”, khiến nhiều kẻ cứ ngậm miệng ăn tiền.


Nguyên trưởng xóm 9 năm đi kiện và lời nói dối của cán bộ làng giấy

Ông Nguyễn Văn Bảy, nguyên trưởng xóm Hạ Giang, xã Phú Lâm, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh (một xã “sát vách” Phong Khê, cũng làm giấy tương tự Phong Khê, lại chịu hậu quả trực tiếp từ ô nhiễm của Phong Khê chảy theo sông Ngũ Huyện Khê về) đã đi đầu trong cuộc chiến bảo vệ môi trường và bảo vệ người tiêu dùng ở thủ phủ giấy ăn và giấy vệ sinh cả nước.

10 năm trước khi đang là trưởng xóm Hạ Giang, ông Bảy thấy làng nào xung quanh cũng biến thành “làng giám đốc” sản xuất giấy đủ các chủng loại, nước thải, khí thải xả trực tiếp ra môi trường, không qua bất cứ công đoạn xử lý nào, dòng sông biến thành sông chết, nước bẩn bơm lên đồng tưới tiêu cực kỳ độc hại. Thế là ông Bảy làm đơn, bỏ nhiều công sức tiền của chiến đấu cho một làng nghề tử tế, làm giàu chân chính và bảo vệ cộng đồng.

Dĩ nhiên, đổi lại thì ông mất chức trưởng xóm. Vừa rồi chúng tôi ghé thăm, ông đang tâm huyết trò chuyện thì chính con trai ông xông ra cáu kỉnh, mà rằng: “Các anh chị tha cho bố tôi được không? Nói mãi chẳng để làm gì, chỉ tổ họ thù oán, tôi nghe chửi nhiều rác tai lắm”. 

Hệ thống nước ở Phú Lâm, từ sông, đồng, mương máng đều đen kịt, hối thối khủng khiếp. Đặc biệt, nhiều khi nước bơm lên kênh mương tưới tiêu, sùi bọt hồng tươi như… cánh hoa. Cả một bể nước bồng bềnh bọt do “độ bẩn” quá cao và hóa chất nhiều. Trong khi đó, nước thải từ các nhà máy giấy vẫn ào ào xả thẳng ra môi trường. Các ống khói vẫn phun ngùn ngụt ba bề bốn bên. Vì sao có chuyện thê thảm đó? 

Vì người ta đã vô cảm, đã bao che, lấp liếm để sự phát triển kinh tế chỉ là việc vài người giàu lên nhờ làm ăn chộp giật rồi môi trường sống bị xuống cấp thê thảm, bà con gánh thảm họa sức khỏe, người tiêu dùng bị “sát hại” tập thể âm thầm.


Hệ thống nước ở Phú Lâm, từ sông, đồng, mương máng đều đen kịt, hôi thối khủng khiếp

Cán bộ địa phương cam đoan, khẳng định: “Nguyên liệu sản xuất giấy vệ sinh là giấy cao cấp, người ta nhập nguyên liệu - có những cái là từ nước ngoài, có những cái phải là phôi từ nhà máy giấy Bãi Bằng, người ta mua về gia công. Ngay như cái giấy vệ sinh loại quá bình thường đã phải đảm bảo độ dai, độ mịn, nguyên liệu là bột giấy ngoại nhập hẳn hoi mới làm được. Giấy vệ sinh còn thế thì thử hỏi giấy ăn có làm được từ giấy phế liệu không?”.

Thế nhưng chúng tôi lại tận mắt chứng kiến người ta mua giấy phế liệu mang về xử lý, ngâm tẩy hóa chất rồi tái chế, sản xuất ngay tại làng thành giấy “mới” hẳn hoi. Rồi công nhân, lẫn các “nhà sản xuất” danh tiếng ở làng đều thừa nhận với chúng tôi trong cả tư cách nhà báo đang phỏng vấn, lẫn cả tư cách người đến đặt mối lấy hàng thường xuyên, rằng: họ đã làm giấy lau miệng và giấy vệ sinh bằng cùng một thứ giấy nguyên liệu, cùng một sản phẩm, cùng một công nghệ, chỉ khác mỗi cái là cắt xén và đóng gói. Có đến ngót chục chi tiết cán bộ nói dối bị chúng tôi dễ dàng phanh phui lần lượt.

Người ta mua giấy phế liệu mang về xử lý, ngâm tẩy hóa chất rồi tái chế, sản xuất ngay tại làng thành giấy “mới”


Quy chuẩn sản xuất giấy vệ sinh và giấy ăn là hoàn toàn khác nhau

Cái cần nhấn mạnh ở đây là chất lượng của giấy kia được sản xuất và bán ra thị trường. Tiêu chuẩn sản xuất giấy ăn khác với tiêu chuẩn sản xuất giấy vệ sinh. Theo tài liệu do hiệp hội sản xuất giấy ở nhiều quốc gia tổng kết, như sau: giấy ăn và giấy vệ sinh khác nhau ở 4 phương diện chủ yếu: Đó là nguyên liệu sản xuất, môi trường sản xuất, tiêu chí chất lượng và tiêu chuẩn vệ sinh. Việc sản xuất giấy ăn chỉ có thể sử dụng nguyên liệu được lấy từ các nguồn như gỗ, các loại cỏ, trúc. Còn sản xuất giấy vệ sinh ngoài việc sử dụng các sợi nguyên liệu thì còn có thể tận dụng nguyên liệu thu hồi từ các loại giấy in. Về quy định môi trường sản xuất, tiêu chí chất lượng và tiêu chuẩn vệ sinh của giấy ăn đều nghiêm ngặt hơn giấy vệ sinh rất nhiều. 

Trong việc phân định các tiêu chí khác nhau của giấy ăn và giấy vệ sinh, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, tổng số vi khuẩn sau khi tiêu độc cho giấy ăn thì còn không quá 200 con/gam giấy (nếu không tuân thủ nghiêm ngặt thì có thể dẫn tới bệnh cầu khuẩn và bệnh đường ruột), còn quy định tổng số vi khuẩn tồn tại trên giấy vệ sinh là 400 con/gam thì có thể chấp nhận được. Vì vậy, khi sử dụng cần phải phân biệt rõ, trong bất kỳ trường hợp nào cũng không nên thay thế sử dụng bừa bãi, đặc biệt là các loại giấy vệ sinh chất lượng kém giả mạo giấy ăn có thể gây nhiều tác hại cho sức khỏe.

Tiêu chuẩn sản xuất giấy ăn khác với tiêu chuẩn sản xuất giấy vệ sinh, còn ở đây thì giống nhau

Các chuyên gia chỉ rõ, việc sử dụng giấy vệ sinh thay thế giấy ăn trong một thời gian dài có thể có những ảnh hưởng đối với sức khỏe. Thứ nhất là, có thể hấp thụ vào cơ thể những chân nấm độc hại, khuẩn cầu que gây ra bệnh viêm kết ruột, có thể dẫn tới các bệnh như bệnh viêm ruột, thương hàn, kiết lỵ, thậm chí còn có khả năng mang theo vi khuẩn gây bệnh viêm gan. Thứ hai là, các loại giấy vệ sinh chất lượng kém còn có nhiều bột bụi giấy, khi sử dụng một lượng lớn bụi công nghiệp có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, có thể gây ra những kích thích đối với đường hô hấp. Thứ ba là, có thể gây những kích thích đối với da quá mẫn cảm.

Có khi thực khách bị tiêu chảy vì… giấy ăn

Bác sĩ Chu Thanh Hương (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cũng cho rằng, loại giấy làm từ các nguyên liệu tái chế thường có chứa hàm lượng chất tẩy rất cao. Nếu da thường xuyên tiếp xúc với loại giấy này thì dễ bị kích ứng, gây đỏ da. Thậm chí, khi tiếp xúc, những sợi bụi chứa trong giấy sẽ lưu lại trên da, gây hiện tượng bít lỗ chân lông, cản trở quá trình trao đổi khí và bài tiết của da, làm cho da bị tổn thương, dẫn đến khô da, viêm da... Mặt khác, trong quá trình sản xuất, tay chân của công nhân không được vệ sinh sạch sẽ, môi trường ô nhiễm là điều kiện tạo thành những ổ vi khuẩn. Các loại vi khuẩn như tụ cầu, ecoli... dễ dàng xâm nhập vào giấy ăn khi chúng được sản xuất xong. Khi lau miệng, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào cơ thể, dễ gây ra các bệnh như tiêu chảy, tả, lị, thương hàn... đối với những người có sức đề kháng kém. 


Các loại vi khuẩn như tụ cầu, ecoli... dễ dàng xâm nhập vào giấy ăn bẩn và lây lan sang người tiêu dùng

Các chuyên gia y tế khẳng định, việc lạm dụng giấy vệ sinh làm giấy ăn là hết sức nguy hiểm. Tuy nhiên, hiện nay, ở nước ta mới chỉ có tiêu chuẩn về định lượng và hình thức để phân loại giấy vệ sinh và giấy ăn (chủ yếu về độ bền kéo, khả năng thấm hút), hầu như chưa có hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng hoặc những quy định cụ thể dành cho các loại sản phẩm trên.

Còn Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội thì thẳng thắn cho rằng, không chỉ giấy cuộn, giấy vệ sinh, mà ngay cả giấy ăn cũng chủ yếu được sản xuất thủ công, tập trung ở một số làng nghề. Chính vì vậy, có thể khẳng định rằng tuyệt đại đa số giấy ăn, giấy cuộn tại hàng quán vỉa hè, quán cơm bình dân không bảo đảm chất lượng, đa số giấy có màu đen, mùi hôi. Do đó, khi đi ăn ở hàng quán, nếu có thực khách bị tiêu chảy thì nguyên nhân chưa chắc đã phải do thực phẩm, mà có khi lại do giấy ăn mất vệ sinh. 

Khi chúng tôi ngỏ ý làm ăn lâu dài, “ăn giấy” với số lượng lớn, trưởng bộ phận kinh doanh của doanh nghiệp giấy N.T nổi tiếng ở Phong Khê còn tiết lộ: “Anh cứ chuẩn bị mẫu mã, tên thương hiệu, thích loại giấy nào, giá nào, thậm chí 14.000 đồng/kg, chúng tôi cũng làm được. Bao bì “sang” hay bình dân thì tùy mức giá bên anh đưa ra, giấy sản xuất theo công nghệ của nước nào, rồi địa chỉ, mã vạch, bên tôi đáp ứng hết theo yêu cầu của anh, anh chỉ việc mang đi bán!”. Vậy là sự nguy hại ở làng giấy này đã đóng mác công nghệ Tây, Tàu, Mỹ, Nhật, giả danh đủ thứ công nghệ và tiêu chuẩn sáng láng để đi vào các nơi sang trọng nhất. Nỗi lo đã từ đó mà tăng theo cấp số nhân!
Hết.
Nhóm PV
Theo Tuổi trẻ & Đời sống
Share on Google Plus

About Nguyễn Tiến Cường

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Post a Comment