Dự án Bột giấy mà liên doanh giữa Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) và JK (Ấn Độ) dự kiến triển khai tại tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa thể được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Lý do là vì, còn vướng các quy định liên quan đến vấn đề môi trường, đặc biệt là quy định về độ màu trong nước thải đối với các dự án bột giấy đầu tư xây dựng mới.
“Tiêu chuẩn về độ màu trong nước thải của Việt Nam là 100, thậm chí còn cao hơn ở Nhật Bản. Quy định này đang gây khó nhà đầu tư và họ vẫn đang trong quá trình tìm kiếm dây chuyền công nghệ để có thể đáp ứng tiêu chuẩn này của Việt Nam”, ông Lê Văn Dũng, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất nói và cho biết, các nhà đầu tư Nhật Bản làm ăn rất bài bản và nghiêm túc. Do vậy, nếu không tìm được dây chuyền công nghệ thích hợp, Sojitz có thể sẽ không triển khai Dự án nữa.
Sojitz và JK đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy bột giấy trị giá 180 triệu USD ở Quảng Ngãi từ năm ngoái, với quy mô khoảng 200.000 tấn năm, nhằm tăng cung cho nhu cầu sử dụng bột giấy trong nước. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã lên kế hoạch cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án này từ khoảng quý III năm trước, nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện được.
“Chúng tôi luôn cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư đến với tỉnh Quảng Ngãi”, ông Dũng cho biết.
Như Báo Đầu tư đã thông tin, tháng 4/2014, ông Hideaki Kato, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản), đã tới Việt Nam và chia sẻ với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về các kế hoạch đầu tư mới tại Việt Nam. Tại buổi làm việc, ông Kato cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự ủng hộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự án bột giấy này.
“Sojitz đã có một số nhà máy sản xuất dăm gỗ xuất khẩu, hiện đã bán được khoảng 7 triệu tấn dăm gỗ ra thị trường nước ngoài. Nhưng chỉ xuất khẩu dăm gỗ thì thật đáng tiếc, nên chúng tôi muốn xây dựng một nhà máy sản xuất bột giấy ở Việt Nam”, ông Kato nói.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Sojitz tham gia đầu tư 4 công ty chuyên trồng rừng, chế biến dăm gỗ ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung, trong đó có Hà Tĩnh. Tuy nhiên, Hà Tĩnh mới đây đã yêu cầu Sojitz không được chỉ đơn thuần sản xuất và xuất khẩu dăm gỗ, mà phải đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gỗ ván ép.
“Chúng tôi cũng có kế hoạch xây dựng nhà máy này ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu xây dựng ở Hà Tĩnh thì sẽ khó khăn trong vận chuyển”, ông Kato cho biết.
Sojitz trên thực tế đã tới Quảng Ngãi từ năm 2007 để đề xuất kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất bột giấy công suất 600.000 tấn/năm, vốn đầu tư 1 tỷ USD. Lúc ấy, Sojitz muốn liên doanh với Tập đoàn Oji Paper (Nhật Bản) để triển khai dự án này. Tuy nhiên, do những vấn đề liên quan đến nguyên liệu, Sojitz cuối cùng đã từ bỏ dự án này và nay trở lại với dự án có quy mô và vốn đầu tư nhỏ hơn nhiều.
Hiện tại, ở Việt Nam còn có dự án sản xuất giấy và bột giấy của nhà đầu tư Lee&Man (Hồng Kông), đang được triển khai ở Hậu Giang. Tuy nhiên, hai dự án giấy bao bì, dự kiến triển khai trên diện tích 200 ha, sản lượng 420.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 280 triệu US và bột giấy, diện tích sử dụng 70 ha, tổng vốn đầu tư 348 triệu USD, sản lượng 330.000 tấn/năm, này đang bị chậm triển khai.
Thông tin mới nhất từ ông Nguyễn Tấn Hưng, Trưởng ban Quản lý KCN tỉnh Hậu Giang, nhà đầu tư Lee&Man đã chính thức khởi động lại dự án này đúng như đã cam kết với UBND tỉnh Hậu Giang từ hồi tháng 2/2014.
“Hiện chúng tôi đang làm thủ tục để cấp nước và xử lý nước thải cho dự án này”, ông Hưng cho biết.
Hai dự án giấy và bột giấy của Lee&Man được cấp chứng nhận đầu tư từ giữa năm 2007. Khởi công nhà máy vào cuối năm 2007, Lee&Man đã kỳ vọng sẽ đưa một trong những nhà máy sản xuất giấy hàng đầu Việt Nam vào hoạt động trong năm 2009. Tuy nhiên, dự án này liên tục bị đình trệ và cũng đã từng bị cảnh báo thu hồi. Theo cam kết mới nhất của nhà đầu tư này, thì Dự án Giấy và Bột giấy Lee&Man sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong cuối năm 2015.
Trong khi hai dự án bột giấy có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chưa thể triển khai, thì thông tin mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đề nghị của Bộ Công thương về việc dừng đầu tư Dự án Nhà máy Sản xuất bột giấy Phương Nam (Long An).
Dự án này do Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển công nghiệp và vận tải (TRACODI) tiến hành đầu tư xây dựng tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An vào năm 2006, có diện tích xây dựng lên tới 45 hec-ta, công suất 100.000 tấn bột giấy/năm, vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng. Sau nhiều năm hoạt động không hiệu quả, tháng 6/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 731/QĐ-TTg bàn giao dự án này sang Tổng công ty giấy Việt Nam quản lý.
Với tình hình triển khai các dự án bột giấy như vậy, xem ra, Việt Nam vẫn phải tiếp tục nhập khẩu một số lượng không nhỏ bột giấy cho nhu cầu sản xuất trong nước.
Theo Nguyên Đức
baodautu.vn
0 comments:
Post a Comment