(TBKTSG) - Nếu giai đoạn 2010-2014, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đem lại lợi ích cho doanh nghiệp khi nhiều nguyên phụ liệu, máy móc phục vụ sản xuất được giảm thuế xuống 0%, thì trong giai đoạn 2015-2018, hiệp định này lại đem đến sự cạnh tranh cho doanh nghiệp khi nhiều mặt hàng tiêu dùng được giảm thuế xuống còn 0%.
Đến năm 2010, sáu nước ASEAN (Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines, và Brunei) đã xóa bỏ toàn bộ thuế quan cho hàng hóa từ ASEAN; thời hạn đối với bốn nước còn lại (Lào, Campuchia, Việt Nam, Myanmar) là năm 2015, với một số dòng thuế linh hoạt đến năm 2018. Do đó, vấn đề đối với Việt Nam trong năm 2015 là mở cửa gần như hoàn toàn cho hàng nhập khẩu từ ASEAN.
Ngành nào cũng bị ảnh hưởng
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, để thực hiện cam kết trong ATIGA, tính từ khi hiệp định có hiệu lực từ ngày 17-5-2010 đến nay, Việt Nam đã cắt giảm 6.859 dòng thuế (chiếm 72% tổng số trong biểu thuế xuất nhập khẩu) xuống thuế suất 0%. Dự kiến từ ngày 1-1-2015, Việt Nam sẽ đưa thêm 1.720 dòng thuế (khoảng 18% tổng số dòng thuế) xuống thuế suất 0%.
Số còn lại bao gồm 687 dòng thuế (chiếm 7% biểu thuế) sẽ xuống 0% vào năm 2018, chủ yếu là các mặt hàng nhạy cảm như ô tô, xe máy, phụ tùng linh kiện ô tô - xe máy, sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa, dầu thực vật, hoa quả nhiệt đới, tủ lạnh, máy điều hòa, bánh kẹo, thức ăn gia súc, sản phẩm nhựa, phôi thép, lốp ô tô, vô tuyến, tàu thuyền. Mặt hàng xăng dầu có lộ trình riêng.
Tức là, ngoại trừ xăng dầu và 7% dòng thuế thuộc danh mục hàng hóa nhạy cảm có thời gian bảo hộ dài, thì những mặt hàng đang còn chịu thuế sẽ được đưa về thuế suất 0% vào năm tới, cho hàng hóa nhập khẩu từ chín nước ASEAN. Trong đó, phần lớn là thực phẩm, hàng tiêu dùng, hầu hết đang có thuế suất 5% trong ba năm qua.
Ngoại trừ xăng dầu và 7% dòng thuế thuộc danh mục hàng hóa nhạy cảm có thời gian bảo hộ dài, thì những mặt hàng đang còn chịu thuế sẽ được đưa về thuế suất 0% vào năm tới, cho hàng hóa nhập khẩu từ chín nước ASEAN. Trong đó, phần lớn là thực phẩm, hàng tiêu dùng, hầu hết đang có thuế suất 5% trong ba năm qua.
Có nghĩa là, gần như ngành nào cũng sẽ có mặt hàng nhập khẩu có thuế suất được đưa xuống 0%, từ dầu ăn, chế phẩm cao su, giấy, hàng may mặc bằng da thuộc, giày dép, túi xách, va li, ô dù, đồ gốm sứ, thiết bị vệ sinh, gạch xây dựng, bút bi, quạt máy, đến đồ trang sức bằng kim loại quý...
Lo cạnh tranh không lành mạnh
Theo ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn, việc thuế nhập khẩu sản phẩm giấy (như giấy vệ sinh, khăn giấy...) giảm từ mức 5% hiện nay xuống 0% chắc chắn sẽ khiến sản phẩm trong nước bị cạnh tranh nhiều hơn. Tuy nhiên, sản phẩm giấy vệ sinh là hàng nhẹ và chiếm nhiều diện tích, nên chi phí vận chuyển sẽ cao, do đó sẽ khó có tình trạng loại hàng hóa này từ các nước ASEAN vào Việt Nam tăng mạnh vào năm 2015, vì đây không phải là sản phẩm cao cấp có giá trị lớn.
Ít khả năng bị cạnh tranh gay gắt từ hàng nhập khẩu, nhưng thị trường trong nước hiện khá cạnh tranh. Trong vài năm qua, có một số công ty nước ngoài đã đầu tư máy móc gia công sản phẩm giấy vệ sinh tại Việt Nam, có lẽ nhằm đón đầu việc giảm thuế nhập khẩu bán thành phẩm để gia công trong nước, giúp giảm giá thành để tăng khả năng cạnh tranh (ngoài giảm thuế nhập khẩu thành phẩm xuống 0%, mặt hàng giấy (bán thành phẩm) dùng để sản xuất giấy vệ sinh, khăn giấy... cũng có thuế nhập khẩu 0% từ ngày 1-1-2015 - PV).
Mặc dù Giấy Sài Gòn đã đầu tư công nghệ tiên tiến để chất lượng đồng đều, nhưng khi thị trường Việt Nam mở cửa hơn, công ty sẽ gặp khó khăn trong cạnh tranh vì chi phí sản xuất cao. Bởi vì, công ty đang chịu nhiều chi phí như hạ tầng, chi phí liên quan đến thủ tục hành chính, và chi phí vốn cao. Ông Vị cho biết mong muốn thủ tục hành chính sẽ được cải thiện nhanh nhờ quyết tâm của Chính phủ để doanh nghiệp bớt khó khăn, và lãi suất cho vay tiếp tục giảm.
Ngoài sản phẩm giấy vệ sinh, Giấy Sài Gòn cũng sản xuất mặt hàng giấy, bao bì công nghiệp. Với sản phẩm này, hiện giá thành sản xuất của các nước khác khá thấp, nên có khả năng cạnh tranh cao so với sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài cạnh tranh từ sản phẩm nước ngoài, doanh nghiệp ngành giấy trong nước cũng chịu sự cạnh tranh không lành mạnh từ trong nước khi có một số công ty đầu tư lớn để xử lý nước thải, trong khi nhiều công ty không chấp hành các quy định về xử lý thải.
Và lo hàng Trung Quốc giá rẻ
Đối với mặt hàng quạt điện, ông Vũ Đình Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Quạt Việt Nam (Asia), cho biết việc giảm thuế xuống 0% cho sản phẩm từ ASEAN không phải là mối lo cho doanh nghiệp (hiện doanh nghiệp trong nước chủ yếu sản xuất quạt điện nhắm vào phân khúc trung bình - PV).
Ông Phương giải thích, ngoài Việt Nam, hiện trong chín nước ASEAN, Thái Lan là nước khá mạnh về sản xuất quạt điện. So với Thái Lan thì nhìn chung, mặt hàng quạt điện Việt Nam có công nghệ không thua kém và có lợi thế về giá (đối với phân khúc trung bình - PV). Bởi lẽ, hiện một số công đoạn trong sản xuất quạt máy chủ yếu vẫn làm bằng tay, trong khi Việt Nam lại có giá nhân công rẻ hơn Thái Lan.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2011-2014, doanh nghiệp trong nước cũng đầu tư về công nghệ sản xuất. Nếu cách đây năm năm, quạt máy Asia chưa có mặt tại Thái Lan, thì từ năm 2011-2014, công ty đã xuất khẩu quạt điện sang thị trường này với số lượng ngày càng tăng. Riêng năm 2013, Asia đã xuất khẩu khoảng 100.000 sản phẩm sang Thái Lan.
Ông Phương cho biết thêm, doanh nghiệp không lo ngại bị cạnh tranh mạnh mẽ từ quạt điện ASEAN, nhưng mối lo lại đến từ hàng hóa Trung Quốc. Bởi vì, quạt điện Trung Quốc khá đa dạng và có giá rẻ bất ngờ. Và, gần đây, sản phẩm trong nước cũng bị cạnh tranh từ sản phẩm của hãng quạt điện hoàn toàn của Trung Quốc nhưng có tên na ná tên Nhật Bản, được bán với giá rẻ.
Nguồn : Thu Nguyệt - TBKTSG
0 comments:
Post a Comment