Liên quan đến việc Thông tư 20 sau khi ban hành đã “vấp” phải nhiều ý kiến phản đối dẫn đến việc tạm “ngưng” hiệu lực thi hành để tiếp thu thêm ý kiến, xây dựng và hoàn thiện Thông tư. Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiếp tục gửi công văn đến các bộ, ngành, hiệp hội, tổ chức, các doanh nghiệp tiếp tục xin ý kiến để “nới” điều kiện quy định trong Thông tư nhằm tạo điều kiện cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh.
“Mâu thuẫn” quyền lợi
Ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ cho biết cùng với việc gửi văn bản đến các bộ, ngành, hiệp hội, tổ chức, các doanh nghiệp tiếp tục lấy ý kiến Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 20, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đăng tải Dự thảo lần 3 sửa đổi Thông tư 20 trên website Bộ Khoa học và Công nghệ tại địa chỉ: http://www.most.gov.vn để lấy ý kiến rộng rãi từ ngày 25/12/2014 đến ngày 25/2/2015.
Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã tổ chức hai cuộc họp (ngày 23/10/2014 và ngày 22/1/2015) với đầy đủ các Bộ, ngành, hiệp hội, tổ chức, các doanh nghiệp có liên quan đến việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng để trực tiếp lắng nghe ý kiến của các thành phần liên quan, đồng thời cũng làm rõ những vấn đề mà doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan chưa hiểu rõ. Tuy nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng thấy rằng không thể làm hài lòng tất cả các yêu cầu của doanh nghiệp.
Ông Maruta Yoshihisa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản nhấn mạnh dự thảo lần 3 sửa đổi Thông tư 20 đã “nới” quy định về thời hạn sử dụng đối với máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng nhưng vẫn còn vấn đề vướng mắc về tổ chức giám định và phương pháp thực hiện giám định sẽ ảnh hưởng đến thời gian thông quan…
Đại diện các doanh nghiệp cơ khí ngoài quốc doanh cho rằng dự thảo lần 3 Thông tư sửa đổi Thông tư 20 đã hoàn thiện và sát thực tế hơn tuy nhiên, đối với ngành máy công cụ cần được ưu tiên phát triển hơn các ngành cơ khí chế tạo nên kiến nghị thời hạn không quá 20 năm chứ không phải 10 năm như Dự thảo Thông tư.
Đối với ngành điện, điện tử, công nghệ thông tin, có ý kiến lại cho rằng với thời hạn 10 năm là quá nhiều, không phù hợp vì máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ thuộc ngành này rất nhanh bị lạc hậu về công nghệ.
Ngược lại với ngành điện, điện tử, công nghệ thông tin, đại diện ngành sản xuất giấy và bột giấy, ông Hàn Vinh Quang, Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy nhấn mạnh ngành giấy sản xuất hầu hết trên các dây chuyền, thiết bị nhập khẩu sản xuất cách đây trên 30 năm nhưng sản lượng của ngành giấy Việt Nam vẫn tăng liên tục, dự kiến năm 2015 đạt sản lượng 1.947.000 tấn, mức tăng bình quân 11,24%/năm.
Vì vậy, ngành giấy cho rằng quy định về thời gian và chất lượng trong Dự thảo lần 3 sửa đổi Thông tư 20 là không phù hợp, đề nghị để doanh nghiệp sản xuất tự quyết nhưng đảm bảo hiệu quả kinh tế và môi trường theo mục đích của Thông tư 20.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam lại kiến nghị: Quy định thời gian sử dụng (tính theo năm) là thời gian được xác định từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu là không chặt chẽ vì qua sử dụng có thể một số chi tiết, cụm chi tiết đã được thay thế nên không đồng nhất được về mặt thời gian. Bên cạnh đó, cần quy định chặt chẽ hơn về bảo quản, máy móc thiết bị nhập khẩu đã qua sử dụng khi chờ chứng thư giám định chất lượng.
Hài hòa tối đa lợi ích doanh nghiệp
Tại cuộc họp lần hai ngày 22/1/2015 với đầy đủ các bộ, ngành, hiệp hội, tổ chức, các doanh nghiệp có liên quan đến việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Phạm Công Tạc nhấn mạnh việc ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 20 không chỉ “khó” mà phải nói là “rất khó” khi các góp ý của bộ, ngành, hiệp hội, tổ chức cũng như các doanh nghiệp liên quan cho Dự thảo sửa đổi Thông tư 20 vẫn có nhiều các ý kiến khác nhau hoàn toàn, nhưng vẫn phải làm.
Dự thảo lần ba sửa đổi Thông tư 20 đã đáp ứng các nội dung của phần lớn doanh nghiệp, một số lĩnh vực ngành nghề như máy xây dựng công trình đã được đưa ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Thông tư, như theo kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải vì máy móc, thiết bị thi công xây dựng đã qua sử dụng hiện nay đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm định chất lượng trước khi cho phép hoạt động.
Đồng thời dự thảo Thông tư cũng dự kiến chỉ đối với doanh nghiệp Nhà nước mới phải đáp ứng đồng thời cả hai tiêu chí (năm sản xuất và chất lượng còn lại) của máy móc, thiết bị đã qua sử dụng. Còn các doanh nghiệp khác chỉ cần đáp ứng một trong hai tiêu chí nêu trên.
Ngoài ra, Dự thảo Thông tư cũng đề xuất đối với Tổ chức giám định, trong giai đoạn đầu (khoảng 1 năm) chỉ cần đáp ứng yêu cầu của Luật Thương mại, sau 1 năm sẽ bắt buộc phải đáp ứng yêu cầu của Luật Chất lương, sản phẩm hàng hóa.
Đối tượng điều chỉnh của Thông tư 20 rất rộng và ảnh hưởng nhiều đến các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan, cũng như nền kinh tế, do vậy không thể đáp ứng lợi ích của từng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân… cũng như thỏa mãn được tất cả các yêu cầu của doanh nghiệp.
Thông tư sửa đổi Thông tư 20 được ban hành lần này mặc dù được “nới lỏng” nhưng vẫn theo định hướng phải quản lý đối với việc nhập khẩu thiết bị, máy móc đã qua sử dụng và phải đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu.
Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho rằng Dự thảo lần 3 sửa đổi Thông tư 20 được đăng trên website Bộ Khoa học và Công nghệ để lấy ý kiến rộng rãi lần cuối. Dự thảo Thông tư này đã “nới” tối đa điều kiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, phát triển cũng như đảm bảo hài hòa lợi ích các doanh nghiệp kinh doanh thuộc các ngành nghề khác nhau./.
0 comments:
Post a Comment