Cả doanh nghiệp và cơ quan Hải quan đang gặp khó khăn với những quy định mới liên quan đến nhập khẩu phế liệu.
Công ty TNHH thép đặc biệt SHENGLI Việt Nam (KCN Cầu Nghìn, Thái Bình) phản ánh: Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phôi và cán thép, 90% nguyên liệu chính phục vụ sản xuất của doanh nghiệp là sắt thép phế liệu nhập khẩu, với số lượng khoảng 1.000 container đến 1.500 container/tháng. Tuy nhiên hiện nay, thực hiện quy định ký quỹ theo quy định tại Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu, doanh nghiệp đang gặp nhiều vướng mắc.
Theo doanh nghiệp, Nghị định yêu cầu doanh nghiệp phải ký quỹ (theo % trị giá lô hàng NK) trước 15 ngày kể từ ngày thông quan hàng hóa, trong khi thực tế hàng hóa đến cảng phụ thuộc vào các hãng tàu và không một hãng tàu nào cung cấp cho công ty ngày hàng về đến cảng trước 15 ngày. Một thực tế khác là một lượng lớn hàng hóa được doanh nghiệp nhập về từ châu Á (Hong Kong, Nhật Bản, Philippines…) thời gian từ khi ký hợp đồng đến khi hàng về cảng chỉ trong vòng 10 ngày. Do đó, doanh nghiệp không thực hiện được việc ký quỹ trước 15 ngày khi hàng hóa được thông quan.
Trong khi đó, nếu thực hiện ký quỹ theo hợp đồng sẽ tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp vì chiếm dụng vốn quá lớn (từ 10% đến 20% giá trị lô hàng nhập khẩu), ảnh hưởng đến sự sống còn của doanh nghiệp…
Cũng gặp khó khăn liên quan đến vấn đề ký quỹ, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) “than”: Theo Điều 58, tất cả doanh nghiệp sản xuất giấy đều phải ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu. Hiện nay, doanh nghiệp trong ngành giấy có sản lượng thấp nhất cũng phải nhập 1.000 tấn/tháng (2 lô), tương ứng số tiền ký quỹ 800 triệu/tháng. Tính bình quân, doanh nghiệp sản xuất giấy nhập khẩu 2.500 tấn/tháng, số tiền ký quỹ là 2 tỷ đồng. Doanh nghiệp sản xuất giấy ký quỹ nhiều nhất là 8 tỷ đồng (10.000 tấn/tháng).
Theo tính toán của ngành giấy, chi phí cho việc ký quỹ (trả lãi tiền vay) sau khi trừ lãi số dư tiền gửi, lần lượt ở doanh nghiệp có sản lượng thấp nhất là hơn 5,3 triệu đồng/tháng; tính bình quân là hơn 13,3 triệu đồng/tháng và chi phí cho việc ký quỹ của doanh nghiệp lớn nhất là trên 53,2 triệu đồng/tháng. Tính chung chi phí cho việc ký quỹ của toàn ngành giấy là gần 453 triệu đồng/tháng hay gần 5,5 tỷ đồng đồng/năm…
Hải quan cũng khó
Không chỉ doanh nghiệp mà cả cơ quan Hải quan cũng gặp khó khi thực hiện Nghị định 38.
Cục Hải quan Hải Phòng phản ánh: Nghị định quy định tổ chức, cá nhận đã được Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu trước khi Nghị định 38 có hiệu lực (từ 15-6-2015) được tiếp tục nhập khẩu phế liệu đến khi Giấy chứng nhận hết hiệu lực.
Tuy nhiên, Nghị định không hướng dẫn trong trường hợp này đơn vị, cá nhân nhập khẩu có phải ký quỹ và ký quỹ trước khi làm thủ tục thông quan ít nhất 15 ngày hay không? Do đó, cơ quan Hải quan lúng túng khi giải quyết thủ tục cho đối tượng này.
Mặt khác, tại Cục Hải quan Hải Phòng còn có trường hợp doanh nghiệp làm thủ tục “tái nhập phế liệu” đã “xuất kinh doanh” về tái chế sau đó tái xuất ra nước ngoài hoặc không tái xuất, nhưng thủ tục này cũng chưa được quy định cụ thể, đồng thời chứng từ doanh nghiệp phải xuất trình cũng chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, gây khó khăn cho cơ quan Hải quan.
Theo Báo Hải Quan
0 comments:
Post a Comment