BTricks

GIẤY TÂN MAI BÊN BỜ VỰC PHÁ SẢN?

(DĐDN) – Công ty CP Tập đoàn Tân Mai đang chìm trong các khoản lỗ triền miền theo báo cáo tài chính công bố năm 2013. Mặc dù đã được công bố bán đấu giá nhằm tìm lối ra, song nhà đầu tư lại không mấy mặn mà…
Lợi nhuận trước thuế và chi phí tài chính của Tân Mai qua các năm (ĐVT: tỷ đồng)


Cty CP Tập đoàn Tân Mai – Giấy Tân Mai được thành lập trên cơ sở hợp nhất Cty CP Giấy Tân Mai và công ty CP Giấy Đồng Nai tăng vốn thêm 110 tỷ đồng. Công ty là một doanh nghiệp lớn trong ngành giấy với hoạt động chính là sản xuất bột giấy, giấy, bìa, các sản phẩm từ giấy. Các cổ đông chính của cty gồm có: Công ty CP Đồng Nai (48,63% cổ phần), TCty Giấy VN (22,74%) và Nhà xuất bản Giáo dục (8,1%).


Gánh nặng từ vay nhà băng
Với mức vốn điều lệ 890 tỷ đồng, Tân Mai là một trong những doanh nghiệp nội địa lớn nhất của ngành giấy. Tuy nhiên, bức tranh kinh doanh của Giấy Tân Mai không mấy sáng sủa. Năm 2012, nhà máy giấy Tân Mai đã ngừng hoạt động đã kéo theo doanh thu sụt giảm mạnh trong hoàn cảnh sản lượng giấy sản xuất cũng như sản lượng tiêu thụ sụt giảm mạnh khiến cho lợi nhuận gộp chỉ có 2,3 tỷ đồng.

Trong khi đó, chi phí tài chính là một gánh nặng lớn đối với Giấy Tân Mai. Trong vòng 5 năm nay, ngoại trừ năm 2011 có lãi hơn 10 tỷ đồng, thì Giấy Tân Mai chìm trong các khoản lỗ triền miên mà kỷ lục là năm 2012 với khoản lỗ gần 218 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2013, lỗ lũy kế chưa phân phối của Giấy Tân Mai là 263 tỷ đồng – bằng 30% vốn điều lệ. Nếu thêm khoản lỗ 60 tỷ đồng của năm 2014 (theo như công bố) thì con số lỗ lũy kế đã lên tới hơn 300 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính mới nhất cho năm 2013 được kiểm toán bởi AASC, dư nợ vay ngắn hạn của Giấy Tân Mai là 673 tỷ đồng, trong đó vay nợ lớn nhất tại Vietcombank Đồng Nai với 340 tỷ đồng, đứng thứ 2 là khoản vay tại Vietinbank Đồng Nai với 223 tỷ đồng. Dư nợ vay dài hạn là 4.103 tỷ đồng trong đó, Vietinbank (chi nhánh Đồng Nai và Kon Tum) chiếm 3.546 tỷ đồng. Có thể thấy công ty con là công ty CP Tân Mai miền Trung là đơn vị vay dài hạn nhiều nhất (2.481 tỷ đồng), công ty CP Tân Mai miền Đông vay 728 tỷ đồng. Các công ty con còn lại không có dư nợ vay dài hạn.

Theo báo cáo tài chính, Ban Lãnh đạo Giấy Tân Mai đang cơ cấu lại nợ vay từ ngắn hạn sang dài hạn (vay cho trồng rừng) nhưng đến thời điểm 31/12/2013 thì 340 tỷ đồng vay tại Vietcombank Đồng Nai và 44 tỷ đồng tại Agribank Đồng Nai đã trở thành nợ quá hạn. Theo đó, Giấy Tân Mai đã tiến hành thương thảo với các ngân hàng để gia hạn nợ gốc và lãi vay do tình hình kinh doanh khó khăn.

Cái khó bó cái khôn
Phương án thanh lý tài sản tại một loạt đơn vị như nhà máy giấy Tân Mai, nhà máy giấy Đồng Nai, nhà máy giấy Bình An; nhượng bán tài sản trên đất của trường Trung cấp nghề Tân Mai, bán diện tích trồng rừng tại Xí nghiệp Nguyên liệu giấy Đông Nam Bộ, diện tích rừng trồng tại khu vực tỉnh Đăk Lăk và tỉnh Lâm Đồng… đã được thỏa thuận với các ngân hàng để thanh toán nợ vay ngân hàng và tái cơ cấu sản xuất kinh doanh. Riêng hoạt động thanh lý tài sản này đã đem lại 88 tỷ đồng lợi nhuận đã cứu cho kết quả kinh doanh của Giấy Tân Mai trong năm 2013.

Điều đáng quan tâm là việc trong tổng dư nợ tín dụng hiện tại của Giấy Tân Mai có đến hơn 500 tỷ đồng là nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tại Vietinbank. Ngoài ra là 52,3 tỷ đồng nợ nhóm 3 tại BIDV Đồng Nai… Bên cạnh sự khó khăn trong hoạt động chính, các dự án đầu tư của Giấy Tân Mai đều phải điều chỉnh. Việc đầu tư dự án cụm công nghiệp Đạ Oai đã bị thu hồi giấy phép do công ty không có khả năng tài chính để tiếp tục dự án. Đồng thời 4 dự án bất động sản Tân Mai, Đồng Nai, Bình An, Mỹ Đình vẫn chưa thực hiện được và Cty chủ trương tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư cho lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, dự án bột giấy Tân Mai với vốn đầu tư dự kiến 5.000 tỉ đồng, quy mô 130.000 tấn bột giấy/năm đã xin lùi thời gian triển khai đến quý I/2017, cho dù đã nhập một số thiết bị về tập kết ở cảng Dung Quất. Do suất đầu tư cao các dự án này không được ngân hàng cho vay vốn đành nằm đắp chiếu.

Lối thoát nào?
Nhằm mục đích thoái vốn theo quy định của Chính phủ và đề án Tái cơ cấu, TCty Giấy VN đã tiến hành bán đấu giá 20,26 triệu cổ phần, tương đương 22,74% vốn điều lệ của Giấy Tân Mai vào cuối năm 2014. Tuy nhiên, theo Trung tâm GDCK Hà Nội thì tình hình kinh doanh của Giấy Tân Mai không mấy sáng sủa khiến nhiều nhà đầu tư không mặn mà đăng kí mua cổ phiếu này, khiến phiên đấu giá thất bại. Theo Nghị quyết ĐHCĐ 2014 ngày 30/01/2015, HĐQT Giấy Tân Mai chủ trương tiếp tục bán đấu giá các tài sản không sử dụng để trả nợ vốn vay, điều chỉnh vốn đầu tư tại một số dự án để phù hợp với tình hình tài chính của Cty.
Vay nợ dài hạn của các đơn vị (ĐVT: tỷ đồng)

Tuy nhiên với góc nhìn riêng, ông Cao Tiến Vị – Tổng Giám đốc Cty CP Giấy Sài Gòn cho rằng, không chỉ giá nhập khẩu bột giấy tăng mà giá các loại nguyên liệu hóa chất cho sản xuất giấy, giá nhiên liệu, điện, cước vận tải…, cũng tăng mạnh làm cho giá thành sản xuất giấy tăng trung bình khoảng 15%. Hiện giấy nhập khẩu sẽ tràn vào VN theo các Hiệp định AFTA đã ký kết nên bài toán giảm giá thành 15-20% là cách đầu tiên để thoát khỏi nguy cơ phá sản.

Ông Nguyễn Hữu Chính – Chuyên viên kiểm toán KPMG cho rằng, các doanh nghiệp ngành giấy hiện đang thiếu nguyên liệu bột giấy và phải nhập bột giấy với giá cao. Giá nhập khẩu bột giấy bình quân lên tới 900 – 1.000 USD/tấn. Trong khi đó, nguyên liệu sản xuất bột giấy là dăm gỗ thì nước ta lại đứng đầu thế giới về xuất khẩu trong 2 năm qua. Riêng trong năm 2014, lượng dăm xuất khẩu đạt 6 triệu tấn, tương đương 2,7 triệu tấn bột. Giá xuất khẩu dăm gỗ chỉ khoảng 110 – 120 USD/tấn. Đây thực sự là một nghịch lý của ngành giấy Việt Nam nói chung và Giấy Tân Mai nói riêng.

Bên cạnh đó, 2 nhà máy giấy lớn nhất Việt Nam đang phải đối đầu với tình trạng thiếu bột giấy nghiêm trọng, kéo dài suối gần bốn năm qua, nhất là bột hóa tẩy dùng cho sản xuất các loại giấy cao cấp. Sản xuất giấy phụ thuộc quá nhiều vào nguồn bột giấy nhập khẩu. Mỗi năm, Việt Nam phải nhập khẩu hơn 150.000 tấn bột giấy trong khi đó nguồn nguyên liệu dồi dào trong nước để sản xuất bột giấy thì chưa khai thác được là bao.

Một chuyên gia trong ngành cho biết, do vậy không chỉ riêng Tân Mai, ngành giấy đã lỡ mất cơ hội đầu tư các nhà máy sản xuất bột giấy quy mô lớn nhất là bột hóa tẩy dùng cho sản xuất các loại giấy cao cấp mà nguyên nhân chính là sự trì trệ trong chính sách lập dự án đầu tư.

Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, với việc ngày càng có nhiều công ty lớn của nước ngoài nhảy vào ngành giấy với công nghệ sản xuất hiện đại, để cạnh tranh tồn tại, các doanh nghiệp trong nước nói chung và Giấy Tân Mai nói riêng cần nhanh chóng tìm hướng đi bằng cách tăng cường đầu tư vào dây chuyền sản xuất để tiết giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm như vậy mới có khả năng tồn tại và cạnh tranh trên chính sân chơi nội địa.

Source : http://enternews.vn/giay-tan-mai-ben-bo-vuc-pha-san-91147.html
Phương Hà
Share on Google Plus

About Nguyễn Tiến Cường

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Post a Comment