BTricks

GIẤY TÂN MAI “RA CÔNG CHÚNG”: TẠI SAO KHÓ THÀNH CÔNG ?

(DĐDN) – Ngày 28/07, hơn 7 triệu cổ phần của Cty Giấy Tân Mai sẽ được IPO với giá khởi điểm 11.500 đồng/cp. Liệu mức giá này có đủ hấp dẫn nhà đầu tư khi hoạt động kinh doanh của Giấy Tân Mai đang tồn tại những khoản nợ lớn và kinh doanh thua lỗ?
CTCP Tập đoàn Tân Mai được thành lập trên cơ sở hợp nhất CTCP Giấy Tân Mai và CTCP Giấy Đồng Nai. Đây là một DN lớn trong ngành giấy, chuyên sản xuất bột giấy, giấy, bìa, các sản phẩm từ giấy. Các cổ đông chính gồm: CTCP Đồng Nai (48,63% cổ phần), Tcty Giấy VN (22,74%) và Nhà xuất bản Giáo dục (8,1%).

Gánh lỗ triền miên
Ngày 28/7 cổ đông thứ 2 của Tân Mai là NXB Giáo dục sẽ bán đấu giá hơn 7,2 triệu cổ phiếu Giấy Tân Mai (tương ứng 8,1% vốn). Mức giá khởi điểm 11.500 đồng/cp, cao hơn 15% so với mức giá mà Tcty giấy VN chào bán hồi cuối năm 2014 (10.000 đồng/cp). Theo các nhà đầu tư, mức giá này được coi là khá cao trong bối cảnh ngành giấy làm ăn sa sút. Với mức vốn điều lệ 890 tỷ đồng, Giấy Tân Mai là một trong những DN nội địa lớn nhất của ngành. Tuy nhiên, bức tranh kinh doanh của Giấy Tân Mai không mấy sáng sủa.

Trong vòng 5 năm gần đây, ngoại trừ năm 2011, DN làm ăn có lãi hơn 10 tỷ đồng, còn lại chìm trong các khoản lỗ triền miên, mà kỷ lục là năm 2012 với khoản lỗ gần 218 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2013, lỗ lũy kế chưa phân phối của Giấy Tân Mai là 263 tỷ đồng – bằng 30% vốn điều lệ. Nếu thêm khoản lỗ 60 tỷ đồng của năm 2014 thì đến nay con số lỗ lũy kế đã lên tới hơn 300 tỷ đồng.

Hiện Giấy Tân Mai có tổng tài sản hơn 2.677 tỷ đồng, gồm 162 tỷ đồng tài sản ngắn hạn và 2.515 tỷ đồng tài sản dài hạn. Trong tài sản dài hạn của Giấy Tân Mai, chủ yếu là tài sản dở dang dài hạn chiếm 1.565 tỷ đồng ( trong đó, chi phí trồng rừng 740 tỷ và chi phí xây dựng cơ bản gần 825 tỷ đồng) và tài sản cố định.

Dự án đắp chiếu vì thiếu vốn
Theo báo cáo tài chính mới nhất, dư nợ vay ngắn hạn của Giấy Tân Mai 673 tỷ đồng, trong đó vay nợ lớn nhất tại Vietcombank Đồng Nai với 340 tỷ đồng.

Tiếp theo là khoản vay tại Vietinbank Đồng Nai với 223 tỷ đồng. Dư nợ vay dài hạn 4.103 tỷ đồng. Trong đó, Vietinbank (chi nhánh Đồng Nai và Kon Tum) chiếm 3.546 tỷ đồng.

Cụ thể, Cty CP Tân Mai Miền Trung là đơn vị vay dài hạn nhiều nhất (2.481 tỷ đồng), Cty CP Tân Mai miền Đông vay 728 tỷ đồng. Riêng năm 2015 Giấy Tân Mai có khoản nợ phải trả cuối năm 2015 hơn 2.069 tỷ đồng, chủ yếu nợ vay gần 1.337 tỷ đồng và nợ phải trả khác 487 tỷ đồng.

Bên cạnh khó khăn trong hoạt động chính, các dự án đầu tư của Giấy Tân Mai đều phải điều chỉnh. Việc đầu tư dự án cụm công nghiệp Đạ Oai đã bị thu hồi giấy phép do không có khả năng tài chính để tiếp tục. Đồng thời 4 dự án bất động sản vẫn chưa thực hiện được và Cty chủ trương tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư cho lĩnh vực này.

Dự án bột giấy Tân Mai với vốn đầu tư dự kiến 5.000 tỷ đồng, quy mô 130.000 tấn bột giấy/năm đã xin lùi thời gian triển khai đến Quý 1/2017. Nguyên nhân là do suất đầu tư cao, các dự án này không được ngân hàng cho vay vốn, đành nằm đắp chiếu. Bên cạnh các dự án đắp chiếu, một trong những khó khăn của Giấy Tân Mai là vấn đề giá nguyên liệu đầu vào.

Nhiều chuyên gia phân tích tài chính cho rằng, không chỉ giá nhập khẩu bột giấy tăng mà giá các loại nguyên liệu hóa chất cho sản xuất giấy tăng mạnh làm cho giá thành sản xuất giấy tăng trung bình khoảng 15 -20%. Trong khi đó, một trong những bài toán của Giấy Tân Mai nhằm tránh nguy cơ thua lỗ, phá sản là cố gắng giảm giá thành sản xuất xuống 20%. Điều này khó thành hiện thực.

Sản xuất giấy phụ thuộc quá nhiều vào nguồn bột giấy nhập khẩu. Mỗi năm, VN phải nhập khẩu hơn 150.000 tấn bột giấy, trong khi đó nguồn nguyên liệu dồi dào trong nước để sản xuất bột giấy thì chưa khai thác được nhiều.

Khó khăn khi IPO
Nhằm mục đích thoái vốn theo quy định của Chính phủ và đề án tái cơ cấu, TCty Giấy VN đã tiến hành bán đấu giá 20,26 triệu cổ phần vào cuối năm 2014 và không thành công khi chỉ bán được hơn 41.000 cổ phiếu.

Ngoài việc đấu giá 7,2 triệu cổ phiếu vào 28/7, Giấy Tân Mai cũng tiếp tục chào bán rộng rãi toàn bộ cổ phần tại các Cty con của Tân Mai như 100.000 CP Tân Mai Miền Trung, 100.000 CP Tân Mai Miền Đông, 100.000 CP Tân Mai Tây Nguyên và 100.000 CP Tân Mai Lâm Đồng với cùng giá khởi điểm 11.800 đồng/CP. Nhiều nhà đầu tư nhận định, những phiên đấu giá và chào bán này rất khó để thành công. Không riêng gì Giấy Tân Mai, gần đây, hàng loạt DNNN cũng ế trên 90% số cổ phần khi IPO như Tcty Đầu tư nước và Môi trường VN (Viwaseen) ế 96% (21,5 triệu cổ phần). Cienco 6 ế 96% số cổ phần khi IPO, tương đương 27,5 triệu đơn vị…

Theo ông Dominic- GĐ Quỹ Đầu tư Daragon Campital, nhận định với giá chào bán 11.500 đồng một cổ phần, trong khi trên thực tế, giá của Giấy Tân Mai chưa đạt được đến mức đó do chất lượng hoạt động chính Cty chưa tốt, DN kinh doanh lỗ liên tục, quỹ đất không có vị trí đắc địa…

Ông Phan Dũng Khánh – Trưởng phòng Tư vấn Đầu tư Cty Chứng khoán MayBank Kim Eng cho rằng một trong những lý do chính dẫn đến ế cổ phần của một số DNNN thời gian qua là tiềm năng các DN ít, nhắm vào đối tác mua chưa chuẩn. Bản thân những Cty này cũng không thuộc những ngành nghề nổi bật hoặc có đặc thù riêng, khác với những đơn vị đã niêm yết để tạo sức hút đối với giới đầu tư và Giấy Tân Mai không là là trường hợp ngoại lệ.

Source : http://enternews.vn/giay-tan-mai-ra-cong-chung-kho-thanh-cong-100204.html

Phương Hà
Share on Google Plus

About Nguyễn Tiến Cường

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Post a Comment