Năm 2013 ngành giấy gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, lại phải cạnh tranh gay gắt với giấy nhập ngoại, nhu cầu tiêu dùng giảm, khiến ngành giấy càng khó khăn, giấy nhập khẩu 11 tháng đầu năm tăng 20% so với cùng kỳ, tồn kho ngành giấy tăng 25,1% so cùng kỳ, nguồn cung giấy luôn lớn hơn nhu cầu.
I. THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC
1. Diễn biến thị trường
Giá bán giấy in, giấy viết 11 tháng đầu năm tương đối ổn định, do tình hình sản xuất trong nước tiếp tục ổn định, sức tiêu thụ vẫn ở mức thấp, khiến giá không tăng. Cụ thể: Giấy in Bãi Bằng vỏ hồng A4 có tem ở mức 47.500đ/ram, giấy Indo IK Plus A4 ĐL 70 ở mức 55.000đ/ram; Giấy Indo IK Plus A4 ĐL80 ở mức 67.000đ/ram; Giấy Indo IK Plus A3 ĐL70: 115.000đ/ram; Giấy Indo Paper One A4 ĐL70: 55.000đ/ram; Giấy Thái Supre A4 ĐL 70: 57.000đ/ram; Giấy Thái Supre A4 ĐL 80: 67.000 đ/ram.
1. Cung - cầu giấy trên thị trường Việt Nam
Tháng 10 sản xuất giấy đạt 152.600 tấn. Tính cả 10 tháng đầu năm đạt 1,53 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ.
Năm 2013, sản lượng giấy trong nước dự kiến đạt 2,18 triệu tấn giấy các loại, tăng 17,7% so với năm 2012. Cộng thêm khoảng 1,3 triệu tấn giấy nhập khẩu, thì nguồn cung giấy tại thị trường trong nước sẽ khá dồi dào.
Tổng lượng giấy tiêu thụ cả nước trong năm 2012 lên tới 2,9 triệu tấn giấy. Mức tiêu thụ giấy bình quân đầu người ở Việt Nam mới đạt hơn 30 kg/năm. Sức tiêu thụ giấy của người dân đã liên tục tăng nhanh trong những năm qua: năm 2010 bình quân sử dụng 26,44 kg/năm/người; năm 2011 đạt 29,61 kg/năm/người; năm 2012 đạt 32,7 kg/năm/người.
2. Xuất nhập khẩu
Mười tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu trên 1,19 triệu tấn giấy, trị giá trên 1,08 tỷ USD (tăng 19,6% về lượng và tăng 13,05% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2012); trong đó riêng tháng 10 lượng giấy nhập khẩu 146.399 tấn, trị giá 129,19 triệu USD (tăng 20,8% về lượng và tăng 19,7% về trị giá so với tháng 9/2013).
Việt Nam nhập khẩu giấy nhiều nhất từ Indonesia, trên 203,66 triệu USD trong 10 tháng, chiếm 18,78% trong tổng kim ngạch, tăng 3,18% so cùng kỳ; thị trường lớn thứ 2 là Thái Lan, với 158,74 triệu USD, chiếm 14,64%, tăng 17,78%; xếp thứ 3 về kim ngạch là thị trường Đài Loan với 148,14 triệu USD, chiếm 13,66%, tăng 16,85%; tiếp đến Trung Quốc 118,57 triệu USD, chiếm 10,93%, tăng 41,34%; Singapore 107,55 triệu USD, chiếm 9,92%, tăng 1,62%; Hàn Quốc 107,12 triệu USD, chiếm 9,88%, tăng 23,16%.
Kim ngạch nhập khẩu giấy 10 tháng đầu năm tăng ở tất cả các thị trường (ngoại trừ thị trường Pháp giảm 16,61% so cùng kỳ); Đáng chú ý nhất là nhập khẩu giấy từ Philippnies tuy kim ngạch không cao, chỉ 9,47 triệu USD, nhưng so với cùng kỳ thì đạt mức tăng rất mạnh 686,72%. Bên cạnh đó, là một số thị trường cũng đạt mức tăng cao so cùng kỳ như: Ấn Độ (+70,25%); Nga (+61,95%); Trung Quốc (+41,34%).
3. Tồn kho
Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) cho biết, ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế, nhu cầu tiêu dùng giấy tại thị trường Việt Nam năm 2013 tiếp tục giảm. Xu thế này đang ảnh hưởng lớn tới tỷ lệ tồn kho của ngành giấy. Nhu cầu tiêu thụ giấy các loại trong nước giảm khoảng 3% so với cùng kỳ, giảm mạnh nhất là giấy Tissue và giấy tráng phấn cao cấp. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 7 tháng đầu năm 2013, giấy là 1 trong 5 ngành công nghiệp chế biến có chỉ số tồn kho tăng cao nhất so với cùng kỳ (12,1%).
II. THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI
Thị trường bột giấy thế giới 11 tháng đầu năm biến động không đồng nhất giữa các loại bột giấy, giá bột NBSK Châu Âu liên tục tăng mạnh kể từ đầu năm 2013 đến nay, với mức tăng tới 86,61 USD/tấn, nhưng ngược lại, giá bột giấy BHK tại thị trường Châu Âu lại giảm 5,98 USD/tấn. Đối với các loại giấy trên thị trường thế giới cũng có diễn biến khác nhau, giá giấy in báo, giấy photocopy A4, giấy tráng, giấy LCC, giấy Kraff tẩy trắng có xu hướng giảm từ 13- 30 Euro/tấn tùy loại; còn các loại giấy bao bì, giấy tái chế lại có xu hướng tăng mạnh từ 48 – 56% tùy loại tính từ tháng 1/2013 đến nay.
1. Thị trường bột giấy
NBSK Châu Âu
Nguồn cung tăng hơn nhu cầu đối với bột giấy BSKP. Đồng Euro giảm 0,5% so với đồng USD, làm giá bột giấy NBSK tăng khoảng 3,83 USD/tấn, tương ứng 0,43% và lên mức 895,98 USD/tấn vào 19/11/2013. Khi chuyển đổi ra đồng euro, do đồng Euro giảm giá so với đồng USD làm cho giá tăng 6,49 Euro, hoặc 0,98% và chỉ số NBSKP xuống 667,10 EUR/tấn. Giá bột giấy Kraft gỗ mềm Châu Âu NBSK vẫn đang trong xu hướng tăng từ đầu năm 2013 đến nay, tăng từ mức 809,37 USD/tấn đầu tháng 1/2013 lên mức 857,8 USD/tấn vào tháng 7/2013 và lên tới 896,51 USD/tấn vào ngày 19/11/2013, như vậy giá loại bột giấy này đã tăng 87,14 USD/tấn tính từ đầu năm 2013 đến nay.
Bột giấy BHK Châu Âu
Nhu cầu BHKP tăng cao, kích thích một số nhà máy mở rộng sản xuất. Đồng Euro giảm giá 0,5% so với đồng USD, làm giá bột giấy BHKP tính theo Euro tăng 3,47 EUR, tương đương 0,6% và lên mức 572,80 EUR/tấn trong tháng 11/2013. Chỉ số BHKP tính theo đô la tăng 45 cent, tương đương 0,06% và lên mức 770,57 USD/tấn. Tính từ đầu năm 2013 đến nay, giá bột giấy BHK giảm 15,31 Euro/tấn, qui ra USD thì giá giảm 4,74 USD/tấn.
Bột giấy BHK Trung Quốc
Tồn kho bột giấy BHKP sụt giảm mạnh tại thị trường Trung Quốc. Nhu cầu nhập khẩu dường như vẫn cao trong tháng 10 nhưng nguồn cung của bột gỗ cứng tại thị trường Trung Quốc và bột giấy hóa học APMP/BCTMP vẫn tăng, do đó kìm chế việc tăng giá của các nhà nhập khẩu. Giá bột giấy BHKP Trung Quốc đã tăng 9,02 USD/tấn, hay 1.37%, lên mức 662,78 USD/tấn trung tuần tháng 11/2013 (tăng 17,09 USD/tấn so với tháng 1/2013). Nhân dân tệ tăng giá so với USD 0,1%. Do đó khi chuyển đổi từ đồng USD sang đồng Nhân dân tệ, giá BHKP tăng 49,69 nhân dân tệ, hay 1,24%, lên 4.052,48 nhân dân tệ/tấn.
Bột giấy NBSK Trung Quốc
Mặc dù nhu cầu nhập khẩu bột giấy gỗ mềm của Trung Quốc vẫn thấp hơn năm 2012, nhưng xuất khẩu sang hầu hết các thị trường khác đã tăng, góp phần giữ giá bột giấy BSKP tại Trung Quốc ổn định. Các quyết định của chính phủ đánh thuế nhập khẩu đối với bột giấy miền Bắc và Mỹ Latinh có thể sẽ tác động gián tiếp đến nhu cầu bột giấy gỗ mềm. Giá bột NBSK Trung Quốc tăng 5,67 USD/tấn, tương đương 0,8% và đứng ở mức 730,02 USD/tấn vào ngày 19/11/2013. Đồng Nhân dân tệ tăng 0,1% so với USD. Vì vậy khi chuyển đổi từ USD sang Nhân dân tệ, giá bột giấy tăng 28,78 nhân dân tệ/tấn, hay 0,66%, lên 4.415,20 nhân dân tệ/tấn.
2. Giấy in báo tại Châu Âu
Các nhà máy sản xuất giấy in báo gần đấy đã giảm công suất tạm thời hoặc vĩnh viễn để cải thiện cán cân cung - cầu. Đồng Euro suy yếu khoảng 0,7% so với giỏ tiền tệ không thuộc khối tiền tệ chung Châu Âu -EMU, đã hỗ trợ giá giấy tăng. Giá giấy in báo tăng 24 cent/tấn, tương đương 0,05% và lên mức 472,91 EUR/tấn trong tháng 11, nhưng so với mức giá 495,57 EUR /tấn hồi đầu năm, thì mức giá này đã giảm tới 22,66 EUR /tấn..
3. Giấy LWC tại Châu Âu
Giá LWC tháng 10 659,65 EUR/tấn (giảm 5EUR/tấn so với tháng 9). Tháng 11 đạt khoảng 660 EUR. Các nhà sản xuất đang có kế hoạch tăng giá giấy từ đầu năm 2014, bằng việc giảm công suất LWC. Đồng EUR giảm khoảng 0,7% so với giỏ tiền tệ không thuộc EMU đã kích thích giá giấy tăng. Giá giấy LWC tháng 11/2013 tăng 92 cent, tương đương 0,14% và đạt 662,18 EUR/tấn. Tính từ đầu năm đến nay, giá giảm 26,38 Euro/tấn (đầu tháng 1 ở mức 688,56 EUR/tấn).
4. Giấy Tráng woodfree
Chỉ số giá giấy tráng woodfree duy trì ở mức khoảng 666 EUR/tấn trong suốt tháng 10 và tháng 11/2013, trong khi tháng 8 và tháng 9 đã tăng lên 670 EUR/tấn. Nguồn cung giấy tráng woodfree dồi dào, gây áp lực giảm giá. Sự suy yếu của đồng EUR so với giỏ tiền tệ không thuộc khối EMU làm giảm giá giấy. Giá giấy tráng woodfree giảm 70 cent, tương đương 0,1% và đạt 666,88 EUR/tấn trong tháng 11, tức giảm 29,64 EUR/tấn so với tháng 1/2013.
5. Giấy phô tô A4B
Giá giấy phô tô A4-B đã giảm từ 850 EUR/tấn hồi giữa năm 2013, xuống 840 EUR/tấn trong tháng 10, dự đoán sẽ sụt giảm tiếp trong tháng 12 do giảm đơn đặt hàng. Đồng EUR giảm 0,7% so với khối tiền tệ không thuộc EMU đã tác động tăng giá giấy. Tuy nhiên, giá giấy A4 B vẫn giảm 3,87 EUR/tấn, hay 0,46% và đứng ở mức 835,65 EUR/tấn giữa tháng 11, tức giảm 27,24 EUR/tấn so với đầu năm.
6. Giấy bao bì Châu Âu
Tại Mỹ, sản lượng giấy bao bì tháng 9 giảm 8,9% so với tháng 8 và giảm nhẹ so với tháng 9/2012. Nhưng sản lượng 11 tháng đầu năm vẫn tăng 2,3% so với cùng kỳ, tồn kho giấy bao bì giảm 47.500 tấn, còn 2.432.000 tấn.
Tại châu Âu, sản xuất giấy bao bì phục hồi, giá tăng. Giấy testliner và giấy lớp sóng tái chế đã tăng giá từ 1/11/2013.
Đồng Euro giảm 0,5% so với đồng USD và giảm 0,7% so với giỏ tiền tệ không thuộc EMU, làm cho giá giấy bao bì tăng. Tuy nhiên, giá giấy kraftliner ngày 19/11/2013 đã giảm 1,04EUR/tấn, tương đương 0,2% so với tháng 10, còn 583,04 EUR/tấn (giá ổn định so với đầu năm). Giá giấy kraft tẩy trắng tăng 1,39 EUR/tấn, hay 0,18%, đứng ở mức 760,89 EUR/tấn (giảm 16,66 EUR/tấn so với tháng 1/2013). Giá giấy Testliner 2 tăng 2,11 EUR/tấn, hay 0,45%, lên 475,68 EUR/tấn (tăng mạnh 49,59 EUR/tấn so tháng 1/2013). Giá giấy Testliner 3 tăng 1,93 EUR/tấn, hay 0,43%, đứng ở mức 450,84 EUR/tấn (tăng mạnh 49,35 EUR/tấn so tháng 1/2013). Giá giấy bao bì kraft RB tăng mạnh nhất trong tháng 11, tăng 3,47 EUR/tấn, hay 0,8%, lên mức 442,79 EUR/tấn ngày 19/11/2013 (tăng 56,7 EUR/tấn so với đầu năm).
7. Giấy tái chế Châu Âu
Thị trường giấy tái chế vẫn duy trì sự cân bằng khá tốt. Nhu cầu tăng nhưng giá xuất khẩu của Trung Quốc thấp hơn so với giá tại Châu Âu. Khối lượng nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm 10,7% trong tháng 9. Giá giấy OCC 1,04dd tăng 16 cent/tấn, tương đương 0,14%, lên mức 112,54 EUR/tấn trung tuần tháng 11 (tăng 3,86 EUR/tấn so với T1/2013). Giá giấy tái chế ONP/OMG 1.11dd tăng 1,35 EUR/tấn, hay 1,04%, lên mức 130,61 EUR/tấn (tăng 2,38 EUR/tấn so với đầu năm).
III. DỰ BÁO
Những tháng cuối năm, thị trường tiêu thụ giấy chắc chắn còn nhiều khó khăn do nhu cầu vẫn ở mức thấp, sự cạnh tranh quyết liệt của các sản phẩm giấy nhập khẩu.
Giá bột giấy thế giới có xu hướng giảm do nhu cầu tiêu thụ không cao. Giá giấy in, giấy viết trong nước tháng 12 sẽ tương đối ổn định, do tình hình sản xuất trong nước tiếp tục ổn định, sức tiêu thụ thấp, nguồn cung trong nước vẫn dồi dào.
Năm 2013, do ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế, nhu cầu tiêu dùng giấy tiếp tục giảm. Xu thế này ảnh hưởng lớn tới tỷ lệ tồn kho của ngành giấy. Một số đơn vị sản xuất giấy trong nước buộc phải cắt giảm sản lượng, thậm chí là ngừng sản xuất, nhằm giảm thấp nhất số lượng giấy thành phẩm tồn kho, đồng thời thị trường đang có sự cạnh tranh lớn về chính sách bán hàng giữa các đơn vị sản xuất, thương mại.
Năm 2013, nhu cầu tiêu dùng giấy các loại của cả nước đạt trên 3 triệu tấn. Sản lượng giấy trong nước dự kiến đạt 2,18 triệu tấn các loại chưa đủ đáp ứng nhu cầu, nên ngành giấy vẫn phải nhập khẩu khoảng 1,3 triệu tấn giấy.
Tháng 11-2013
(Nguồn: Vinanet.com.vn)
0 comments:
Post a Comment